Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp vào năm 2011, huyện Hải Hậu cần cấp đổi 80.175 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tập trung quản lý 11.042.398m2 đã chuyển đổi từ tổng diện tích 155.706.500m2 đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích; trong đó, đất lúa 5.656.072m2, đất nuôi trồng thủy sản 3.589.948m2, đất trồng cây hàng năm 743.418m2, đất nông nghiệp khác 73.773m2, đất trồng cây lâu năm 181.607m2, đất thủy sản lợ 522.439m2, đất làm muối 275.141m2. Tuy nhiên đến nay sau 9 năm nhiều xã, thị trấn vẫn chưa hoàn tất công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc quản lý sử dụng quỹ đất nông nghiệp đã chuyển đổi sang mục đích công ích tồn tại một số bất cập.
Cán bộ xã Hải Thanh rà soát, xác định phương án quản lý hiệu quả quỹ đất trong khu vực dân cư sinh sống. |
Đến ngày 10-9-2019 huyện Hải Hậu mới có 3 xã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa gồm Hải Ninh, Hải Toàn, Hải Đông; 6 xã, thị trấn đã cơ bản hoàn thành gồm: Hải Nam, Hải An, Hải Xuân, Hải Cường, Hải Phúc, Thịnh Long. Toàn huyện mới cấp được 60.659 giấy chứng nhận, đạt 75,3%; còn phải cấp, đổi 19.516 giấy chứng nhận. Việc chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa vào thời điểm hiện nay được huyện xác định nguyên nhân do một số hồ sơ đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định, chuyển sang Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai vẫn phải trả lại để hoàn thiện thủ tục; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hải Hậu gặp khó khăn trong việc chỉnh lý hồ sơ, biến động trên trang 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp tách hộ, cho tặng vì các hộ chưa làm thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, chia tách quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Công tác quản lý, giao nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa của một số xã như: Hải Đường, Hải Phong, Hải Quang chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất, không lập sổ theo dõi, giao nhận giấy chứng nhận cho hộ dân mà chỉ thực hiện trên bản kê, thiếu chữ ký, ngày giao nhận… Vẫn còn số lượng giấy chứng nhận đã cấp nhưng UBND các xã, thị trấn đang quản lý, chưa giao cho người dân; cụ thể như xã Hải Phong còn 1.621 giấy; xã Hải Đường còn 546 giấy; thị trấn Thịnh Long còn 1.617 giấy. Các giấy chứng nhận chưa giao cho người dân không ghi rõ lý do kèm hồ sơ, giấy chứng nhận. Toàn huyện còn 8.551 hồ sơ chưa hoàn thiện nhưng chưa phân tích, phân loại, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp giải quyết. Sau dồn điền, đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do xã, thị trấn được giao cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thuê khoán sử dụng; theo dõi, quản lý trên hệ thống sổ sách, hồ sơ địa chính (vị trí, diện tích, tờ thửa…). Tuy nhiên, vị trí những khu đất công ích các xã giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuê khoán sử dụng nằm rải rác, xen kẹt với đất giao ổn định của người dân, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, xâm canh nhiều…, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng, dẫn đến tình trạng người được giao tự ý chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác, không sản xuất nông nghiệp. UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng, thuê khoán với hộ dân theo quy định của Luật Đất đai; một số xã giao cho trưởng xóm hợp đồng với hộ dân sử dụng có thu tiền, không làm hợp đồng; một số trường hợp UBND xã, thị trấn khuyến khích người dân sử dụng canh tác nên không thu tiền. Công tác kiểm kê đất đai ở các xã, thị trấn còn hạn chế, số liệu kiểm kê còn thiếu, chưa thống nhất với số liệu quản lý tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Công tác chỉ đạo của một số địa phương chưa quyết liệt, đội ngũ công chức địa chính trách nhiệm chưa cao, còn hạn chế về chuyên môn nên chưa kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND xã, thị trấn trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Để nâng cao hiệu quả quản lý đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa, huyện Hải Hậu chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt là Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17-7-2012, Kết luận số 43/KL/TU ngày 22-8-2018 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai. UBND huyện xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về quản lý, sử dụng đất đai, thủ tục, hợp đồng thuê khoán, mức thuê, công tác quản lý, giao nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân tại các xã, thị trấn. Xem xét, nghiên cứu các quy định, xây dựng phương án tích tụ ruộng đất, dồn quỹ đất nông nghiệp công ích thành vùng tập trung để tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách từ quỹ đất công. UBND các xã, thị trấn tập trung giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa đang tồn đọng cho các hộ dân. Đối với những trường hợp không trả được giấy chứng nhận cho người dân phải nêu rõ lý do, nguyên nhân tồn đọng kèm hồ sơ, đồng thời có biện pháp quản lý giấy chứng nhận chặt chẽ, an toàn. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, các tổ chức tín dụng (đối với các giấy chứng nhận có thế chấp), các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục như: Điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận, thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, hướng dẫn người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các hợp đồng thuê khoán sử dụng đất công ích, ký hợp đồng giao khoán đất công đến hộ gia đình sản xuất, kinh doanh đúng quy định, sử dụng đúng mục đích; nghiêm túc thực hiện việc thống kê, kiểm kê biến động đất đai hàng năm và báo cáo kịp thời, chính xác. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật về đất đai để người dân nắm vững và thực hiện nghiêm các quy định quản lý, sử dụng đất đai./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy