Do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến tổng đàn lợn nuôi của huyện Hải Hậu giảm mạnh, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, một số trang trại, gia trại lợn phải tiêu hủy hoàn toàn, thậm chí treo chuồng. Tính đến ngày 10-1-2020, tổng số lợn trong toàn huyện mắc bệnh phải tiêu hủy 66.695 con với tổng trọng lượng hơn 3.223 tấn. Tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay trên địa bàn huyện có 27 xã, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi; còn 8 xã có dịch chưa qua 30 ngày, trong đó có 4 xã: Hải Hòa, Hải Phú, Hải Lộc và Hải Cường đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Lực lượng chức năng huyện Hải Hậu tổ chức phun tiêu độc, khử trùng trang trại nuôi lợn trên địa bàn xã Hải Quang. |
Tổng đàn lợn sụt giảm nghiêm trọng trong khi thị trường vào cao điểm Tết và lễ hội, nhu cầu tiêu dùng tăng vọt dẫn đến giá thịt lợn hơi tăng cao khiến người chăn nuôi “nóng ruột” tái đàn. Nhận thức được những khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn cho người chăn nuôi và cả ngành chăn nuôi của địa phương có thể gặp phải khi tái đàn lợn nuôi không an toàn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 3-12-2019 UBND huyện đã có Văn bản số 625/UBND-NN về việc hướng dẫn quản lý tái đàn lợn hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Theo đó, việc thực hiện nuôi tái đàn phải thận trọng, đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thú y và người chăn nuôi, có lộ trình phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi, từng địa phương. Chỉ thực hiện tái đàn ở xã, thị trấn đã công bố hết dịch; các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học theo Hướng dẫn số 1061/HD-SNN ngày 6-11-2019 của Sở NN và PTNT; phải thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 1 tuần trước khi nhập lợn vào nuôi. Chủ cơ sở chăn nuôi phải có đơn đăng ký về thời gian, số lượng, đối tượng lợn nuôi tại cơ sở và cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học với UBND xã, thị trấn. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra thực tế, nếu cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí để đảm bảo thực hiện biện pháp an toàn sinh học mới ký xác nhận cho nuôi; đồng thời được giám sát, theo dõi, quản lý bởi hệ thống thú y các cấp. Trường hợp sau khi tái đàn xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo ngay cho chính quyền địa phương, không bán chạy, không tự giết mổ, không vứt xác lợn ra môi trường và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất chăn nuôi của mình. Phải nhập con giống từ những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng theo danh sách công bố 13 doanh nghiệp, trung tâm đủ điều kiện cung cấp giống lợn bảo đảm chất lượng của Sở NN và PTNT; hạn chế tình trạng mua lợn giống trôi nổi, không kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh… Nếu nhập từ tỉnh ngoài thì phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phổ biến rộng rãi các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kinh nghiệm của các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn không bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý đàn, giám sát, phát hiện hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn lợn, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong tiêm phòng, đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch do việc tiêm phòng. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch tiếp tục thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, đặc biệt bảo vệ đàn lợn nái bảo đảm nguồn giống cung cấp cho nhu cầu tái đàn, khôi phục sản xuất. Các hộ chăn nuôi đã bị dịch thực hiện cải tạo, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh và tuân thủ nghiêm quy định hướng dẫn về tái đàn, chỉ nhập lợn giống vào nuôi khi được chính quyền địa phương cho phép và phải đăng ký, cam kết bằng văn bản với chính quyền về số lượng, chủng loại lợn, thời điểm tái đàn, các điều kiện an toàn sinh học; thực hiện tái đàn từng bước, từng vùng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đối với các gia trại, trang trại trên địa bàn. Để đối phó với những nguy cơ lây lan dịch bệnh, huyện cũng tích cực phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để giám sát, theo dõi và kiểm soát chất lượng con giống; tổ chức lựa chọn một số hộ có khả năng tái đàn để xây dựng mô hình điểm trong việc tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống đầu vào và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong quá trình chăn nuôi...
Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. UBND huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chưa nên nuôi lợn trở lại mà chuyển sang các đối tượng con nuôi khác để đảm bảo sinh kế và an toàn chung. Các trang trại, gia trại, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi cần thực hiện tái đàn một cách thận trọng, chủ động thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tích cực sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi, thường xuyên phân tích, rút kinh nghiệm để đảm bảo tái đàn hiệu quả, góp phần khôi phục từng bước ngành chăn nuôi lợn của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại