Nối tiếp thành công những năm gần đây, thu hút đầu tư năm 2019 của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá. Toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 81 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6.393,8 tỷ đồng và 208,96 triệu USD. Đầu tư trong nước có số vốn đăng ký gấp 3,5 lần so với năm 2018. Trong đó, cấp mới cho 68 dự án đầu tư (60 dự án trong nước và 8 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 5.062,6 tỷ đồng và 200,18 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 13 dự án (12 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án FDI) với tổng số vốn tăng là 1.331,2 tỷ đồng và 8,78 triệu USD. Ước tính năm 2019, tỉnh đã hoàn thành 97,1% mục tiêu thu hút đầu tư FDI và gần 40% mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong nước của cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Số lượng dự án FDI đăng ký đầu tư mới giảm nhưng tổng vốn đầu tư lớn; trong đó, riêng tổng vốn đăng ký đầu tư dự án của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông đã là 180 triệu USD.
Đó là kết quả từ sự quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, từ người đứng đầu trong chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư. Tiếp tục duy trì hoạt động gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và chỉ đạo hướng giải quyết hiệu quả các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong năm 2019, các ngành, các địa phương đã tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trọng điểm trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư của doanh nghiệp. Chẳng hạn để giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng của một số khu, cụm công nghiệp, các sở, ban, ngành đã phối hợp với các địa phương tổng hợp kiến nghị, tham mưu trình HĐND tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu đồng bộ về quy hoạch đất cụm công nghiệp, danh mục các dự án phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 10ha; tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo hướng giữ nguyên đất lúa, giảm quỹ đất phi nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp dịch vụ, gia tăng quỹ đất cung ứng, phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố; chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2025 theo hướng ưu tiên bố trí hợp lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ trong điều kiện quỹ đất phi nông nghiệp của tỉnh còn lớn. Sở Công Thương đã tập trung triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các Cụm công nghiệp: Yên Bằng (Ý Yên), Mỹ Tân (Mỹ Lộc); thành lập Cụm công nghiệp Thanh - Côi (Vụ Bản), Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên); mở rộng các Cụm công nghiệp Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi (Nam Trực)...
Môi trường đầu tư chung của tỉnh ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo hướng dẫn chính xác, rõ ràng, đầy đủ, tiết kiệm thời gian hoàn thành hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước, đầu tháng 10-2019 tỉnh đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động; điều chỉnh phân cấp chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính từ Sở Nội vụ về Văn phòng UBND tỉnh; đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; duy trì, ổn định hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.namdinh.gov.vn với vai trò là công cụ hỗ trợ hiệu quả các cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính xuyên suốt trên môi trường mạng, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ duy nhất. Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất. Đặc biệt, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng như các cán bộ, công chức, viên chức thực thi công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư ngày càng được nâng lên; giảm tối đa các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thuế, ngân hàng, hải quan, đất đai... nên đã được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Báo cáo chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 của tỉnh (công bố trong năm 2019) đã có sự cải thiện tích cực khi đạt 87,9%, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 18,1% và 46 bậc so với năm 2017.
Những dấu ấn kể trên cùng hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các huyện, thành phố đã và đang tạo sự khích lệ lớn, thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, lựa chọn quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh./.
Thanh Thúy