Năm 2019 cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và các khu vực diễn ra gay gắt, thị trường hàng hóa biến động khó lường song ngành công nghiệp của tỉnh lại chuyển động tích cực với các dấu ấn quan trọng về nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm chủ lực, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy chế biến nông sản.
Chế biến ngao xuất khẩu ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam. |
Do lực lượng doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế nên tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Các ngành đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa ứng dụng vào sản xuất; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Trong chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các ngành, các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng mới giúp nâng cao chất lượng, giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Toàn tỉnh đã lựa chọn được 47 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 24 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 8 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 3 sản phẩm cấp quốc gia, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường thuận lợi hơn. Các sản phẩm “Lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho thân thiện với môi trường” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thiên Phú, xã Xuân Tiến (Xuân Trường); “Sen vòi nhà tắm” của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Minh Thành Công, xã Nam Dương (Nam Trực) và “Ống nhựa HDPE Phú Mỹ Tân” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đều tăng đơn hàng đặt hơn, doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP triển khai đầu năm 2019, các ngành đã huy động chuyên gia, cán bộ có năng lực chuyên sâu hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng cấp, hoàn thiện 36 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh, gồm 19 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm 4 sao. Sau khi được xét duyệt, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đã được tỉnh tiếp tục hỗ trợ công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm trên trang điện tử, bản tin ngành Công Thương, các ấn phẩm thương mại và trưng bày, tiêu thụ ở 8 điểm liên kết giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch thương mại khu vực trọng điểm của thành phố Nam Định và các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản.
Điểm nhấn quan trọng trong sản xuất công nghiệp năm 2019 là phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản theo chuỗi liên kết. Trong đó, đã chú ý hỗ trợ từ công đoạn nguyên liệu, chế biến cho đến đảm bảo đầu ra sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi, chế biến các nông sản chủ lực có thương hiệu, uy tín chất lượng của tỉnh. Nhiều sản phẩm, nhãn hiệu nông sản chế biến của tỉnh đã có uy tín trên thị trường như: nước mắm Giao Châu, gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal... Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại muối sạch Nam Định đã được hỗ trợ nghiên cứu, chế biến thêm nhiều dòng sản phẩm cao cấp từ hạt muối truyền thống như: bột canh nấm bào ngư; muối biển nhạt (dùng cho người ăn kiêng, người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp), muối thảo dược dùng để chăm sóc sức khỏe như ngâm, tắm, dưỡng da. Những sản phẩm qua chế biến sâu có giá bán cao gấp 500% so với bán nguyên liệu thô. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) đã được đẩy mạnh hỗ trợ để phát triển quy mô chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo sạch chất lượng cao lên trên 800ha. Tiếp theo thành công trong xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực, Công ty đã phát triển chế biến nhiều sản phẩm từ hạt gạo sạch như trà gạo lứt, sữa gạo, mỹ phẩm từ cám gạo… để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. Đột phá nhất là chương trình hỗ trợ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuỷ sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) từ chỗ chỉ xuất khẩu ngao nguyên vỏ đến nay đã phát triển được hơn 10 mặt hàng, trong đó có nhiều món ăn chế biến sẵn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ổn định tại thị trường châu Âu, châu Mỹ như: canh ngao ăn liền, chả giò ngao, bim bim ngao, nước cốt ngao, nước giải khát, mỹ phẩm và thức ăn chăn nuôi làm từ vỏ ngao. Tháng 8-2019, tỉnh đã tạo điều kiện cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuỷ sản Lenger Việt Nam ký kết chương trình hợp tác xây dựng vùng liên kết ngao sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC vào giữa năm 2020 với hai huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng và các hộ nuôi ngao trên địa bàn tỉnh. ASC là tiêu chuẩn quốc tế được nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản áp dụng để kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Việc triển khai chương trình thực sự tạo động lực để Công ty và các hộ nuôi ngao nghiêm túc kiểm soát an toàn mọi khâu trong chuỗi sản xuất từ trại nuôi đến nơi chế biến, cung ứng tới người tiêu dùng, giúp nâng tầm thương hiệu ngao Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung đạt chứng nhận quy chuẩn quốc tế ASC.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị, liên kết với nông dân, tổ chức đoàn thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản và đầu tư vào chế biến nông sản còn tạo thêm động lực mới cho các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn./.
Bài và ảnh: Thúy Vy