Chuyển biến tích cực trong chọn tạo, phát triển giống cây trồng, con nuôi mới

08:01, 13/01/2020

Sau 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đến nay, tỉnh ta đã chọn được một số giống cây trồng, vật nuôi mới có thể đưa vào sản xuất quy mô hàng hóa trong thời gian tới.

Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) chăm sóc lạc xuân.
Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) chăm sóc lạc xuân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tỉnh ta đã hoàn thành việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống. Cùng với việc lập các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các xã, thị trấn đều có quy hoạch vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo khả năng và yêu cầu phát triển thực tế của địa phương. Tỉnh đầu tư thực hiện 3 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất giống từ ngân sách tỉnh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nghiên cứu, lưu giữ, sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống, đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh và Trại thực nghiệm Công nghệ cao giống gia súc, gia cầm đặc sản tại xã Hải Sơn (Hải Hậu). Những giống cây trồng, vật nuôi mới được lựa chọn đưa vào trình diễn là những giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức kể từ năm 2015 trở lại đây tại vùng đồng bằng sông Hồng hoặc đang được phép sản xuất thử tại địa bàn tỉnh; có tính khác biệt và tính mới so với giống cây trồng cũ đang được nông dân sử dụng để sản xuất, hội tụ các đặc điểm hơn hẳn về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu một số đối tượng dịch hại; đồng thời đáp ứng thị hiếu tiêu dùng đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Đến thời điểm này, tỉnh ta cũng là địa phương duy nhất trong cả nước có Trung tâm Nghiên cứu phát triển giống lúa lai quốc tế Syngenta với nguồn vật liệu chọn tạo giống lúa rất phong phú, công nghệ tiên tiến. Trong thời gian qua, trung tâm đã tập trung nghiên cứu lai tạo được một số sản phẩm lúa lai triển vọng, đang từng bước được bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đơn vị chủ lực sản xuất giống lúa với tổng diện tích khoảng 1.085 ha/năm, hàng năm sản xuất được trên 3.300 tấn giống lúa các loại, trong đó có gần 1.800 tấn lúa lai F1, đáp ứng được 40-45% nhu cầu của tỉnh. Thông qua triển khai đề án Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tỉnh Nam Định đã góp phần nâng cao năng lực, tính chủ động trong sản xuất giống khoai tây sạch bệnh cho các đơn vị nghiên cứu của tỉnh như: Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học công nghệ Nam Định và các hợp tác xã tham gia sản xuất giống khoai tây. Những năm gần đây, diện tích sản xuất giống khoai tây hàng năm khoảng 150-200ha; sản lượng giống khoảng 1.600-2.000 tấn/năm, chủ yếu là các giống khoai tây Đức, Hà Lan có chất lượng cao, đáp ứng trên 80% nhu cầu giống cho sản xuất khoai tây thương phẩm của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 250-300ha sản xuất lạc giống tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy, Hải Hậu… với tổng diện tích khoảng 250ha; sản lượng giống khoảng 1.300 tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu của tỉnh. Có khoảng 20ha sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây môi trường sinh thái. Số lượng cây giống hàng năm đạt 20 vạn cây các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu cây giống trồng rừng và cây môi trường sinh thái của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị chủ lực sản xuất giống vật nuôi, ngoài ra còn có 108 cơ sở ấp nở giống gia cầm, hơn 40 nghìn hộ chăn nuôi lợn nái, 34 cơ sở sản xuất tinh lợn nhân tạo. Hàng năm, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 2 triệu con giống lợn thịt (đáp ứng đủ nhu cầu của tỉnh) và khoảng 3 triệu con gà giống (đáp ứng 10% nhu cầu của tỉnh). Tỉnh đang tập trung phát triển các giống lợn ngoại, lợn lai 3-4 máu, đáp ứng nhu cầu sản xuất lợn thịt; duy trì tỷ lệ đàn lợn nái Móng Cái, nái lai với tỷ lệ phù hợp (khoảng 30%, tương ứng 42-45 nghìn con) đáp ứng nhu cầu sản xuất lợn sữa xuất khẩu; giống gà chuyên thịt (CP, Ross308, Lương Phượng), giống gà chuyên trứng (IAS Brown, Ai Cập); giống bò lai Sind. Đối với ngành thủy sản, toàn tỉnh có 137 cơ sở sản xuất giống, hàng năm sản xuất được gần 12 tỷ con giống các loại; trong đó, giống mặn lợ 10,6 tỷ con, đáp ứng 65-70% nhu cầu con giống cho nuôi trồng của tỉnh. Các đối tượng chủ yếu được sản xuất như: Tôm sú, cua biển, cá bống bớp, ngao, hàu. Hiện, Nam Định đang là tỉnh dẫn đầu về sản xuất, kinh doanh giống ngao trong khu vực cả về quy mô, công nghệ và năng lực sản xuất. Một số cơ sở đã tiến hành thử nghiệm cho sinh sản thêm một số đối tượng mới như sò huyết, ốc hương, tôm càng xanh… tạo hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản. Việc tích cực sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi đã tạo thuận lợi cho người sản xuất triển khai thực hiện các mô hình theo quy trình 3 cùng (cùng giống, cùng thời vụ và cùng quy trình kỹ thuật thâm canh). Các địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất với diện tích phù hợp với từng giống cây trồng hoặc vùng đất chuyển đổi bảo đảm thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Tham gia sản xuất vùng ứng dụng giống cây trồng mới, hộ nông dân được hưởng một số cơ chế hỗ trợ của tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong quá trình mua giống cây trồng và kinh phí mua vật tư nông nghiệp…

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc tích cực lựa chọn, áp dụng một số giống cây trồng, con nuôi mới chủ yếu theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2015-2020 bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Trong quá trình thực hiện, ngành chức năng đã đánh giá kỹ lưỡng cả mặt được và chưa được đối với nhiều yếu tố, đặc biệt là quy trình thâm canh và chất lượng sản phẩm, chủ động thẩm định và loại bỏ một số giống cây, con không phù hợp. Nhìn chung các giống cây trồng, vật nuôi được chọn đều có chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn từ 5-30% so với giống cũ, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 7-15%. Việc lựa chọn một số giống cây trồng mới không chỉ nhằm chọn ra những loại giống cây trồng chất lượng tốt, mà qua đó còn tác động tích cực làm thay đổi tư duy trong việc chủ động tìm tòi, đổi mới cơ cấu cây trồng trong tổ chức sản xuất của nông dân và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hạn chế tình trạng sản xuất thụ động, không bám sát nhu cầu thị trường; đồng thời tiếp tục khuyến khích nông dân liên kết sản xuất tập trung, quy mô cánh đồng lớn, hướng tới mô hình cánh đồng chuyên canh. Là một trong những doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa giống với nông dân, ông Lâm Văn Chiểu, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Trực Ninh) khẳng định: Chọn được giống lúa chất lượng tốt là yếu tố quan trọng giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, nông dân cần thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, thói quen làm theo kinh nghiệm không còn phù hợp với quy trình kỹ thuật và điều kiện thực tiễn hiện nay. Người sản xuất phải có tư duy làm kinh tế, có sự cân nhắc lựa chọn và quyết định đầu tư như thế nào, liên kết với ai để đạt được lợi nhuận cao nhất.

Những kết quả ban đầu trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi mới là cơ sở để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại sản xuất và đưa ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com