Bước vào năm 2020, cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam sôi nổi tổ chức các hoạt động thi đua, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, khẳng định “vị thế” là một trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam trong hội nhập và phát triển.
Nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp
Từ một tổ hợp sản xuất nhỏ ra đời năm 1960 chuyên gia công tẩy sợi và nhuộm chăn, màn, quần áo phục vụ nhân dân thành phố Nam Định, năm 2005, Công ty Dệt may Sơn Nam đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Thách thức lớn đối với Công ty khi chuyển sang cổ phần hóa là làm sao cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu các đối tác đến từ những nước có ngành dệt may phát triển. Thời điểm đó, chiến lược phát triển của Công ty mang tính cốt lõi là: đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực, trình độ của người lao động, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cán bộ, công nhân viên Công ty phải tự đổi mới chính mình, không ngừng học hỏi vươn lên làm chủ kỹ thuật công nghệ, làm tốt công tác thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 2005 được coi là điểm nút trong chiến dịch “đầu tư để cạnh tranh” của Sơn Nam với trên 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy kéo sợi OE, công suất 3.000 tấn/năm tại KCN Hoà Xá. Năm 2007, Cty tiếp tục khánh thành nhà máy kéo sợi OE thứ 2 cũng tại KCN Hoà Xá với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn/năm; hoạt động ở 2 lĩnh vực chính là kéo sợi, làm khăn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước trong khối EU. Năm 2011, nhà máy sợi thứ 3 đi vào hoạt động với các thiết bị của I-ta-li-a, Đức (thiết bị máy sợi con dài 1.008 cọc có đổ sợi tự động).
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, do nhiều nguyên nhân, Công ty không ít lần đứng bên vực phá sản. Đồng chí Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty nhớ lại: Năm 2008, cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế các quốc gia; “Cơn bão suy thoái” dẫn đến có khoảng 70% doanh nghiệp dệt rơi vào tình cảnh thua lỗ hoặc phá sản. Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam hoạt động xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), tự tìm kiếm thị trường và xuất khẩu trực tiếp nên gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu không ổn định. Trước tình hình đó, tập thể cán bộ, công nhân viên trong Công ty với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên khẳng định thương hiệu. Công ty tập trung làm tốt công tác thị trường, đầu tư mới máy móc thiết bị, công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên lành nghề, khơi dậy tác phong và tính tự giác để người lao động nhận biết trách nhiệm của mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua… Do đó, sản xuất, kinh doanh của Công ty vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, từng bước vững vàng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từ một doanh nghiệp với thiết bị thô sơ, số lao động ít, đến nay, Cty Cổ phần Dệt may Sơn Nam là một trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành Dệt may Việt Nam. Trong 10 năm qua, Công ty mở rộng 9 nhà máy, đầu tư trang thiết bị hiện đại với kinh phí trên 1.700 tỷ đồng; hàng năm, nộp ngân sách Nhà nước hơn 15 tỷ đồng.
“Chìa khoá” phát triển bền vững
Đồng chí Nguyễn Thế Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cho biết: Để Công ty ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, Đảng bộ Công ty không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy vai trò định hướng, lãnh đạo Công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Đảng ủy Công ty là những đảng viên gương mẫu, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đảng bộ luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; coi trọng công tác tổ chức cán bộ, trên cơ sở quy hoạch, bố trí những cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đảm nhận những công việc khó. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng. Coi trọng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, Đảng bộ và Ban giám đốc Công ty bổ nhiệm gần 20 đảng viên trẻ vào các cương vị lãnh đạo chủ chốt; kết nạp hơn 30 đảng viên.
Trong 5 năm qua, Đảng ủy và Ban giám đốc Công ty lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh phát động. Chú trọng xây dựng hệ thống quy chế, quy định nhằm tuân thủ tốt nhất Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Môi trường, Luật Bảo hiểm xã hội… Là doanh nghiệp xuất khẩu 100%, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông xuất khẩu, hiện nay, Sơn Nam có quan hệ với 30 Công ty đối tác nước ngoài, sản phẩm của Công ty có mặt ở thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc và khối EU. Do thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Công ty đạt nhiều kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng; đảm bảo việc làm, thu nhập thường xuyên ổn định cho người lao động. Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam cũng là đơn vị tham gia tích cực, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đưa nghề về nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 30 Công ty, doanh nghiệp với hơn 2.000 hộ thủ công của 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Với trách nhiệm là một trong những đơn vị “đầu tàu” trong lĩnh vực dệt, Công ty luôn chia sẻ những khó khăn cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, giữ chữ “tín” thông qua các hợp đồng kinh tế, hỗ trợ công nghệ, cải tiến kỹ thuật với mong muốn làng nghề ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới. Không chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, cán bộ, công nhân viên Công ty đóng góp trên 500 triệu đồng tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội vì cộng đồng như: ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ tàn tật.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2006; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015; UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ Công an tặng “Cờ thi đua xuất sắc”./.
Bài và ảnh: Việt Thắng