Một mùa Xuân mới lại về. Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của bộ mặt nông thôn mới, kinh tế tỉnh ta càng được củng cố thêm vững chắc. Hòa vào cùng dòng vốn của các ngân hàng, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được vun đắp qua nhiều năm bền bỉ hỗ trợ phát triển cho từng “tế bào” kinh tế nhỏ nhất và yếu thế nhất của tỉnh là người nghèo khó, tạo bệ đỡ vững chắc cho họ vươn lên thoát nghèo góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Từ 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Hậu, ông Vũ Thanh Nghị ở xóm 22, xã Hải Đường đầu tư trồng hoa mẫu đơn đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Giáp xuân Canh Tý, đi trên con đường được bê tông cứng hóa thoáng rộng, sạch sẽ với những hàng hoa đua nhau khoe sắc hai bên đường dẫn vào xã Hải Đường (Hải Hậu), chúng tôi tìm đến gia đình anh Bùi Văn Vụ, 37 tuổi, chủ xưởng chế tác tượng, tranh gỗ mỹ nghệ ở xóm 22. Cảm nhận đầu tiên về anh là sự chất phác, chân thành, gần gũi của một thanh niên “sinh ra từ làng”. Anh Vụ chia sẻ với chúng tôi: “Sinh ra và lớn lên tại vùng quê có nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống nên “máu nghề” từ lâu đã ăn sâu vào trong mình. Thuở nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn nên vừa học hết cấp 2, mình đã nghỉ học để đi làm, phụ giúp kinh tế cho bố mẹ”. Suốt hơn chục năm lăn lộn làm thuê cho các xưởng sản xuất trong và ngoài xã như Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường) đã giúp anh không ngừng nâng cao trình độ tay nghề chế tác gỗ mỹ nghệ. Năm 2008, anh bàn với gia đình quyết định thành lập xưởng chế tác đồ gỗ mỹ nghệ để có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời thỏa sức sáng tạo và khẳng định bản thân. Chăm chỉ, chịu khó và cẩn thận nên các sản phẩm anh Vụ làm ra luôn được khách hàng đánh giá cao về hình thức, mẫu mã và chất lượng, uy tín ngày càng lên cao. Tuy nhiên, khi việc sản xuất phát triển anh Vụ gặp khó khăn vì thiếu vốn. Được Hội Phụ nữ xã bảo lãnh, anh nhờ vợ vay 50 triệu đồng theo chương trình vốn ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm. Nhờ đó anh Vụ có thêm nguồn lực để đầu tư mua 3 máy đục tự động CNC 3D, 1 lò sấy gỗ hơi nước, rồi máy phay, máy bào, máy tiện… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn với doanh thu từ 700-800 triệu đồng/năm, và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Anh Đỗ Văn Đạt, một thợ có tay nghề khá của xưởng, là thanh niên thuộc hộ nghèo trong xã cho biết: “Xưởng phát triển giúp lao động nông thôn chúng tôi có việc làm ngay ở quê nhà không phải “ly hương”, mà vẫn có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng tôi được trả lương 7,5 triệu đồng nên có điều kiện chăm lo cho gia đình đầy đủ hơn. Đó là động lực để tôi gắn bó làm việc lâu dài với cơ sở”. Tết Canh Tý này sẽ “niềm vui nhân đôi” bởi đây không chỉ là cái Tết đủ đầy với gia đình anh Vụ mà còn là Tết ấm no của cả những gia đình người lao động của xưởng. Còn với ông Vũ Thanh Nghị, 67 tuổi, diện hộ cận nghèo ở xóm 22, Tết năm nay là cột mốc “vượt lên thoát nghèo” của gia đình ông. Gần 10 năm nay, vốn tín dụng chính sách đã luôn đồng hành cùng ông vực dậy kinh tế gia đình từ hộ nghèo sang cận nghèo và sắp tới là thoát nghèo bền vững. Vừa thoăn thoắt cắt tỉa tạo cành hoa mẫu đơn, ông Nghị cho biết: “Nhờ có vốn tín dụng chính sách mà kinh tế gia đình chúng tôi đã bước sang một trang mới. Sang năm 2020, chắc chắn tôi sẽ thoát nghèo bền vững. Hiện tại, khu vườn gia đình, các cây ăn trái đều phát triển tốt”. Nhìn khu vườn xum xuê hoa, trái trĩu cành, ít ai biết rằng cách đây 10 năm, cơn bão số 7 vào tháng 9-2010 đã khiến ông kiệt quệ gia sản bởi bao vốn liếng tích lũy vào đây; hàng trăm gốc cây ăn trái, cây cảnh đã bị quật tan nát chỉ còn trơ gốc. Lúc đó, được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, ông đã mạnh dạn vay thêm 8 triệu đồng để tái đầu tư vườn cây. Qua mỗi vụ thu hoạch, tích góp tái đầu tư; đến nay, khu vườn của ông đã có 500 gốc cây đinh lăng, 200 gốc cau, 60 gốc na, 30 gốc bưởi Diễn, 20 gốc hồng xiêm. Giữa năm 2018, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển kinh tế hộ cận nghèo để đầu tư gây giống 300 cây hoa mẫu đơn. Tết năm nay, gia đình ông dự tính thu về hơn 40 triệu đồng từ cây cảnh, cây ăn trái trên vườn. Nhìn nét mặt rạng rỡ chờ đón Xuân mới của ông Nghị, chúng tôi như thấy gương mặt của hàng trăm nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong tỉnh đã thoát nghèo, vượt khó nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong suốt một thập kỷ đồng hành vừa qua.
Với 10 chương trình tín dụng ưu đãi đang được triển khai, từ năm 2010 đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 339 nghìn lượt hộ tại 209 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới với số tiền 7.173 tỷ đồng. Trong 10 năm qua đã có 67.504 lượt hộ nghèo, 45.118 lượt hộ cận nghèo, 14.432 hộ mới thoát nghèo và 221.052 người được vay vốn; góp phần giúp 30.106 hộ thoát nghèo, 8.662 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 17.693 lao động, 420 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Không chỉ giúp người dân có “chiếc cần câu” thoát nghèo, phát triển kinh tế tự lực vươn lên, vốn tín dụng chính sách còn tập trung hỗ trợ người dân chăm lo các nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống như nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, chắp cánh ước mơ tới trường của con em hộ nghèo. Đã có 4.055 căn nhà cho hộ nghèo và 49 căn nhà cho người có thu nhập thấp được xây dựng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; 52.119 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; 153.109 hộ được vay vốn để xây mới, cải tạo 152.363 công trình nước sạch, 151.115 công trình vệ sinh đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Lại một mùa Xuân no ấm, đầy ắp nghĩa tình đang đến với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi trên khắp mọi miền quê. Bước sang Xuân Canh Tý 2020, mỗi cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh lại miệt mài trên hành trình đầy vinh dự và tự hào chuyển tải đồng vốn tín dụng chính sách lan tỏa khắp các miền quê, tìm đến những cảnh đời khó khăn tiếp thêm nghị lực cho họ vượt khó vươn lên đón nhận những mùa xuân ấm áp và hạnh phúc, để “không một ai bị bỏ lại phía sau” mỗi khi Tết đến, Xuân về./.
Bài và ảnh: Đức Toàn