Tiếp tục tiêm phòng bổ sung bảo vệ an toàn đàn vật nuôi

08:12, 05/12/2019

Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài việc thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì công tác tiêm phòng cần được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững.

Cán bộ thú y thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chuẩn bị vắc-xin cho công tác tiêm phòng.
Cán bộ thú y thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) chuẩn bị vắc-xin cho công tác tiêm phòng.

Triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ thu đông năm 2019 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2019 tập trung từ ngày 15-9 đến 15-10-2019. Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đối với lợn, chỉ tiêm phòng cho đàn lợn tại các hộ chăn nuôi không bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và các hộ bị dịch đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh ốm, chết. Khuyến khích các hộ chăn nuôi theo trang trại, gia trại tự tổ chức tiêm; các xã, thị trấn chỉ tổ chức tiêm tập trung cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Kết quả, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin lở mồm long móng được 18.913 con trâu, bò, dê; tiêm vắc-xin dại cho 18.692 con chó; 156 xã, phường, thị trấn triển khai tiêm vắc-xin dịch tả cho 103.121 con lợn. Theo báo cáo của các địa phương, đàn lợn sau tiêm phòng vẫn an toàn, không có hiện tượng ốm, chết do bệnh dịch tả lợn. Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp 40 nghìn lít hóa chất cho các huyện, thành phố; các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách mua trên 6.798 lít thuốc sát trùng, 1.481 tấn vôi bột, trang bị bình phun, áo bảo hộ, ủng... thực hiện tiêu độc, khử trùng các trục đường giao thông, nơi tiêu hủy lợn, khu vực ổ dịch, khu vực chăn nuôi, bãi rác, chợ buôn bán, nơi giết mổ gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi, gồm cả cơ sở đã bị dịch, tiếp tục thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và chưa tiến hành tái đàn nuôi lợn. 

Mặc dù công tác tiêm phòng đã được triển khai tích cực nhưng kết quả tiêm phòng vụ thu 2019 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cụ thể, tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, dê mới đạt 65,2% kế hoạch; tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo vẫn rất thấp, chỉ đạt 19,7% kế hoạch và 156 xã, thị trấn tiêm phòng bệnh dịch tả cho đàn lợn. Ngoài kết quả tiêm phòng đạt thấp thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn rất lớn do chuồng trại chăn nuôi phần lớn nằm lẫn trong khu dân cư, điều kiện về chuồng trại, vệ sinh không tốt; mật độ chăn nuôi cao; việc xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, đối với dịch tả lợn châu Phi chúng ta chưa có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch; thời gian dịch kéo dài; bệnh lây lan diện rộng và hiện chưa khống chế được; công tác xử lý dịch bệnh tại một số địa phương chưa đúng quy trình kỹ thuật; nhiều địa phương không có quỹ đất để tiêu hủy lợn bệnh; vẫn còn tình trạng giấu dịch, tự ý điều trị, người hành nghề thú y chưa thực hiện tốt trong quá trình tiêm phòng, điều trị làm lây lan dịch bệnh, bán chạy lợn bệnh... Công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế đã làm dịch bệnh lây lan, kéo dài.

Theo nhận định của ngành chức năng, thời tiết những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhiệt độ xuống thấp kèm theo những đợt gió mùa đông bắc gây mưa lạnh, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm. Đặc biệt do nhu cầu thực phẩm cuối năm tăng mạnh, nguồn cung thịt lợn thiếu nhiều đẩy giá thịt lợn tăng cao nên người chăn nuôi đẩy mạnh việc tăng đàn; việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh tiềm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng. Bệnh dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã từng bước được khống chế ở một số địa phương; tuy nhiên nguy cơ tái phát dịch rất cao. Đến nay ở 91 xã có dịch đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch lại tái phát chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, không làm tốt khâu vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Bệnh lở mồm long móng đang phát sinh mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước như: Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long… Nguy cơ phát sinh các dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm, thủy sản cũng rất cao như: Cúm gia cầm, tai xanh, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh ngoại ký sinh trùng và bệnh lở loét do vi khuẩn trên cá nuôi nước lợ... Do vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, trong đó đàn lợn tiêm vắc-xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu; đàn trâu, bò tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đối với bệnh cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại số đầu lợn để xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng đảm bảo hiệu quả. Để việc tiêm phòng đạt kết quả, ngành chức năng, các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc; nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm xã hội của người chăn nuôi trong việc tự giác thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lượng vắc-xin, bảo đảm chất lượng; huy động lực lượng cán bộ thú y tổ chức tiêm phòng kịp thời nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com