Phóng sinh là nét văn hóa đẹp trong đời sống. Với ngành thủy sản, hoạt động phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản còn tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho người dân và các tín đồ tôn giáo về ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng cũng như tầm quan trọng của việc duy trì, ổn định môi trường sinh thái, đa dạng sinh học các thành phần giống loài ngoài tự nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc phát động thả các đối tượng thủy sản phóng sinh về tự nhiên là hoạt động thiết thực, giúp tái tạo các loài cá bản địa, quý hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, mất dần ngoài tự nhiên
Cán bộ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống khu vực cửa sông Hồng. |
Hàng năm, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thả trung bình khoảng 2 triệu con giống thủy sản nước ngọt và nước lợ gồm cá trắm, cá mè, cá trôi, tôm, cua… xuống khu vực cửa sông Hồng và cửa sông Ninh Cơ. Hoạt động này nhằm tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân, người dân hiểu tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; tích cực bổ sung nguồn lợi thủy sản, quản lý các giống loài thủy sinh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân cùng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ở nhiều địa phương, vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, các tăng, ni, phật tử các nhà chùa cũng thường xuyên tổ chức hoạt động phóng sinh các loại thủy sản như: cua, cá, ốc...; qua đó, góp phần không nhỏ phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường, hệ sinh thái. Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa, hoạt động thả phóng sinh đối với việc tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng nảy sinh nhiều bất cập. Do thiếu kiến thức về các loại thủy sản, người dân thường phóng sinh các loài không chọn lọc, bao gồm cả cá cảnh, các loài thủy sinh ngoại lai xâm hại như: rùa tai đỏ, cá chim trắng... Các loài ngoại lai xâm hại phát tán ra môi trường tự nhiên sẽ phát triển mạnh, cạnh tranh thức ăn và môi trường sống của các loài thủy sản, lấn át các loài bản địa, thậm chí một số loài thủy sản trở thành con mồi cho các loại ngoại lai. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển tự nhiên của các loài thủy sản. Không những thế, do quá trình vận chuyển, cá bị nhốt trong không gian nhỏ hẹp, không đảm bảo nên đôi lúc cá phóng sinh chết ngay khi vừa được thả…
Để hoạt động phóng sinh được thực hiện đúng quy định của pháp luật, mang lại hiệu quả cao cho công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân khi phóng sinh cần quan tâm đến môi trường sống của loài, thả chúng về đúng môi trường tự nhiên; không nên mua cá sông thả ra biển hay cá biển thả vào sông; không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác. Phóng sinh với số lượng phù hợp, đảm bảo chất lượng, vận chuyển và thả đúng cách để tỷ lệ sống cao nhất. Không phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại; khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, có giá trị cao nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo cân bằng sinh thái trong khu vực tự nhiên. Theo các kỹ sư thủy sản, hoạt động phóng sinh có thể thực hiện quanh năm nhưng cần chọn thời điểm thả lúc thời tiết mát, tránh thả giữa trưa hè hoặc mùa đông vì có thể gây sốc nhiệt cho các loài thủy sản. Phóng sinh các loài thủy sản vào các thủy vực có điều kiện phù hợp với đặc điểm sinh học của loài được thả. Bên cạnh đó, các loài thủy sản được thả cần khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh, tránh lây truyền dịch bệnh cho các đối tượng thủy sản khác./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa