Siết chặt quy định đấu nối hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nam Định

08:12, 13/12/2019

Trước đây việc quản lý đấu nối hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nam Định còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Ở nhiều khu vực, tình trạng các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng công trình, nhà ở, xưởng sản xuất không quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt hợp lý dẫn đến tình trạng nước thải chảy tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và bức xúc trong nhân dân. Sự tắc trách này còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn, khó khăn cho công tác xử lý nước thải sinh hoạt cũng như thoát nước của thành phố.

Cải tạo nâng cấp đường Lương Thế Vinh với hạng mục xây dựng cống hộp góp phần nâng cao năng lực thoát nước cho thành phố Nam Định.
Cải tạo nâng cấp đường Lương Thế Vinh với hạng mục xây dựng cống hộp góp phần nâng cao năng lực thoát nước cho thành phố Nam Định.

Với mục đích khai thác hiệu quả hệ thống thoát nước thành phố Nam Định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường về nguồn nước, môi trường đất và không khí, đảm bảo xây dựng đô thị Nam Định hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ngày 24-10-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND quy định việc đấu nối vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nam Định. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sản xuất, kinh doanh có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải được phép xả nước thải sinh hoạt trực tiếp vào hệ thống thoát nước tại điểm đấu nối; các loại nước thải khác phải thu gom và có hệ thống xử lý nước thải cục bộ bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào điểm đấu nối theo các quy định về đấu nối và thỏa thuận đấu nối. Điểm đấu nối là điểm xả nước thải của các hộ thoát nước vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Cao độ và các yêu cầu kỹ thuật của điểm đấu nối do cơ quan quản lý Nhà nước về thoát nước tại địa phương và đơn vị thoát nước quy định, đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Hộ thoát nước được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nam Định trong các trường hợp: Gần nguồn tiếp nhận mà chất lượng nước thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường và việc đấu nối vào hệ thống thoát nước chung có thể gây những gánh nặng bất hợp lý về kinh tế cho hộ thoát nước; tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước tập trung. Nước mưa từ bên trong hộ thoát nước (nếu có) không có điều kiện chảy tràn được thu gom bằng đường ống riêng và được xả vào điểm đấu nối theo thỏa thuận với đơn vị thoát nước. Đối với các khu vực đã có hệ thống thoát nước riêng, không được xả nước mưa vào điểm đấu nối của hệ thống thu gom nước thải. Việc lắp đặt hệ thống thoát nước trong công trình, nhà ở phải tuân thủ theo quy chuẩn hiện hành về hệ thống cấp thoát nước trong nhà, công trình và các yêu cầu kỹ thuật khác được quy định trong thỏa thuận đấu nối. Hộ thoát nước chịu kinh phí đầu tư xây dựng công trình thoát nước thải trong phạm vi đến điểm đấu nối (trừ các đối tượng cụ thể được hỗ trợ đấu nối do UBND tỉnh quy định). Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chịu kinh phí đầu tư xây dựng công trình thoát nước trong phạm vi địa bàn quản lý đến điểm đấu nối. Đơn vị thoát nước không được ngừng cung cấp dịch vụ thoát nước trong mọi trường hợp, trừ trường hợp được quy định trong hợp đồng quản lý, vận hành. Việc các hộ thoát nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí thoát nước hoặc tự ý thay đổi, sửa chữa hệ thống thoát nước, vi phạm các quy định về thoát nước sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Đối với các hộ thoát nước khác vi phạm các quy định đơn vị thoát nước thông báo bằng văn bản về việc vi phạm và yêu cầu khắc phục. Nếu hộ thoát nước không chấp hành thì đơn vị thoát nước được quyền ngừng dịch vụ thoát nước theo các điều, khoản được quy định trong Hợp đồng dịch vụ thoát nước và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp ngừng dịch vụ thoát nước để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, đơn vị thoát nước phải có văn bản thông báo cho các hộ thoát nước có liên quan biết lý do, thời gian tạm ngừng dịch vụ thoát nước; đồng thời, đơn vị thoát nước phải có biện pháp thoát nước tạm thời để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của hộ dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước. Trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thoát nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì đối tượng vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật về đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố; khi cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở (thuộc phạm vi Sở Xây dựng quản lý) yêu cầu hộ thoát nước phải có thiết kế đấu nối với hệ thống thoát nước theo đúng quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về thoát nước; kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về thoát nước. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giám sát và đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước tại các điểm xả của hệ thống thoát nước các đô thị trên địa bàn thành phố Nam Định; đề xuất với UBND tỉnh biện pháp xử lý khắc phục nếu gây ô nhiễm vượt quá quy chuẩn nước thải xả ra nguồn tiếp nhận; thanh tra, kiểm tra, xử lý về môi trường đối với các trường hợp có nguồn nước thải vượt quá quy định cho phép mà không đấu nối hoặc đấu nối chưa qua xử lý cục bộ theo quy định; thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý hệ thống công trình thủy lợi liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải đô thị đảm bảo yêu cầu về cao độ, vị trí xả thải nhằm thoát nước, chống úng ngập và bảo vệ công trình thủy lợi; thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi cho các hộ thoát nước theo đúng quy định. UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các phường, xã thực hiện chương trình đấu nối nước thải hộ gia đình đến trực tiếp các khu vực, các tổ dân phố; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của nhân dân trong đấu nối thoát nước thải hộ gia đình để bảo vệ môi trường; phối hợp với đơn vị thoát nước xây dựng, thông báo kế hoạch đấu nối tới các hộ thoát nước theo từng khu vực, cụm dân cư; chủ trì tổ chức nghiệm thu hệ thống đấu nối sau khi hoàn thành; khi cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở (thuộc phạm vi UBND thành phố Nam Định quản lý) yêu cầu hộ thoát nước phải có thiết kế đấu nối với hệ thống thoát nước theo đúng quy định.

Thoát nước đô thị là vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới quản lý môi trường, cảnh quan đô thị, chất lượng đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. Việc quản lý chặt hoạt động xả thải, đấu nối nước thải từ các nguồn thải vào hệ thống chung góp phần đảm bảo vệ sinh, trật tự đô thị, vì một môi trường đô thị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com