Nam Trực tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề

08:12, 23/12/2019

Huyện Nam Trực có 4 làng nghề tiểu thủ công nghiệp nằm trong danh sách làng nghề ô nhiễm hoặc ô nhiễm nghiêm trọng. Làng nghề cơ khí Vân Chàng, thị trấn Nam Giang gây ô nhiễm môi trường do phát sinh các chất thải rắn thông thường, bụi, mùi, khí thải từ các máy móc gia công cơ khí và nước thải từ quá trình làm mát khi cán rút sắt; trong đó nguy hại hơn cả là nguồn nước thải không được các hộ xử lý gây ô nhiễm môi trường. Làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, xã Nam Mỹ gây ô nhiễm môi trường do phát sinh nhiều chất thải rắn thông thường (vỏ bao bì, nhãn mác, vụn nhựa), nước thải từ việc sục rửa, làm sạch nhựa phế liệu, các chất tẩy rửa, chất hoạt động bề mặt, chất tạo màu, hương liệu, cặn lơ lửng, các chất hữu cơ và bụi, khí thải phát sinh khi băm, xay nhựa. Làng nghề chế biến lương thực làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương gây ô nhiễm môi trường do các hộ sản xuất xả thẳng nước thải ra môi trường mà không qua xử lý. Làng nghề cơ khí tái chế nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh gây ô nhiễm nghiêm trọng do các hộ sản xuất xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và phát sinh nhiều bụi, khí than; chất thải rắn, xỉ than vứt đổ bừa bãi xung quanh khu vực sinh sống. Các làng nghề này đều đã từng được hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên chính quyền địa phương không có cơ chế để duy trì quản lý, vận hành hệ thống nên các công trình dần xuống cấp, không phát huy được hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Các tuyến kênh, sông quanh làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh đã được nạo vét, thu gom váng cặn nhôm, hóa chất, thanh thải lòng sông, khơi thông dòng chảy.
Các tuyến kênh, sông quanh làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh đã được nạo vét, thu gom váng cặn nhôm, hóa chất, thanh thải lòng sông, khơi thông dòng chảy.

Trước thực trạng này, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân huyện Nam Trực đã nỗ lực huy động các nguồn vốn và phát huy vai trò của cộng đồng khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của các làng nghề. Đối với làng nghề cơ khí Vân Chàng, năm 2018 UBND huyện đã giao UBND thị trấn Nam Giang làm chủ đầu tư thực hiện dự án nạo vét bùn ở 2 hồ lắng và hồ điều hòa, xây kè đá xung quanh hồ điều hòa để chống sạt lở xung quanh hồ với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành đảm bảo nước thải làng nghề được xử lý đạt chỉ tiêu loại B theo quy chuẩn Việt Nam trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung. Đối với làng nghề thu gom, tái chế nhựa Vô Hoạn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với UBND xã Nam Mỹ hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh lập và trình UBND huyện xác nhận cam kết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tái chế nhựa; yêu cầu các hộ sản xuất nâng cao ống khói đảm bảo giảm khí thải trực tiếp trong môi trường khu dân cư và áp dụng các biện pháp tái sử dụng, giảm thiểu chất thải. Tuy nhiên theo quy định, hoạt động tái chế nhựa thuộc nhóm ngành nghề không đưa vào danh sách các làng nghề, không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư. Vì vậy, năm 2018, UBND huyện đã lập tờ trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đưa làng nghề Vô Hoạn ra ngoài quy hoạch làng nghề; đồng thời chỉ đạo UBND xã yêu cầu trong năm 2020 các hộ tái chế nhựa phải chuyển đổi sang ngành nghề khác. Đối với làng nghề miến, bánh đa thôn Phượng, hiện nay quy mô đang thu hẹp dần do không thay đổi công nghệ nên khó cạnh tranh. Năm 2018, UBND huyện đã lập tờ trình UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xóa bỏ nghề miến, bánh đa thôn Phượng ra khỏi danh sách làng nghề truyền thống. Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề Bình Yên, UBND huyện đã giao UBND xã làm chủ đầu tư, thực hiện dự án nạo vét hệ thống cống, rãnh thoát nước trước làng nghề; thu gom, xử lý 170 tấn xỉ nhôm tồn lưu trong kho tập kết của làng nghề Bình Yên; thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường Nam Thanh để quản lý thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc thu gom, xử lý toàn bộ lượng xỉ than, rác thải xung quang làng nghề; xây dựng bãi tập kết xỉ than tạm thời, hướng dẫn các hộ sản xuất đổ thải đúng nơi quy định; phối hợp với địa phương trồng bổ sung cây hoa, cây xanh dọc các tuyến đường quanh làng nghề. Đồng thời địa phương tập trung tuyên truyền, vận động giúp người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh từng bước thay đổi nhận thức và góp đất để địa phương xây dựng bãi tập kết xỉ than tạm thời; ký cam kết không mở rộng quy mô sản xuất, không thành lập mới các cơ sở nhúng rửa, cô đúc lon nhôm trong khu dân cư; đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong quản lý chất thải. Đến nay, làng nghề Bình Yên không còn tình trạng vứt, đổ bừa bãi tro xỉ, phế thải sản xuất; các tuyến kênh, sông quanh làng đều được nạo vét, thu gom váng cặn nhôm, hóa chất và thanh thải nguồn nước. UBND huyện đang xây dựng khu nhúng rửa nhôm tập trung; hồ điều hòa và một số công trình dẫn nước thải vào Trạm xử lý đảm bảo xử lý nước thải của làng nghề Bình Yên theo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Thời gian tới, huyện Nam Trực tăng cường tuyên truyền, phổ biến góp phần giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; vận động, hướng dẫn các hộ làm nghề đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ và áp dụng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của làng nghề; không cấp phép thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất đối với các ngành nghề nằm trong danh mục khuyến khích phát triển. Về lâu dài, địa phương sẽ đẩy mạnh xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch để yêu cầu các hộ sản xuất tại làng nghề trong khu dân cư di chuyển ra cụm công nghiệp, đảm bảo việc xử lý môi trường theo quy định, phát triển kinh tế bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com