Với sự quyết tâm, chủ động của Kho bạc Nhà nước Nam Định, thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến theo hướng tích cực, giảm đáng kể số dư tạm ứng và từng bước thu hồi vốn từ các dự án có dư tạm ứng quá hạn.
Tuyến đường trục trung tâm phía nam thành phố Nam Định là dự án có tốc độ giải ngân vốn nhanh, dư tạm ứng của dự án hiện còn 5 tỷ 98 triệu đồng. |
Tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 3.976 tỷ 248 triệu đồng, gồm các dự án ngân sách Trung ương (319 tỷ 924 triệu đồng); dự án địa phương quản lý (3.325 tỷ 609 triệu đồng); nguốn vốn Trái phiếu Chính phủ địa phương thực hiện (122 tỷ 920 triệu đồng). Trong năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các công trình khởi công mới và các công trình chuyển tiếp, một số địa phương tập trung sử dụng vốn phân cấp của tỉnh giao để trả nợ khối lượng hoàn thành các dự án, qua đó giảm số dư tạm ứng xây dựng cơ bản, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2019. Theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước Nam Định, đến ngày 31-1-2019, số dư tạm ứng vốn đầu tư công là 1.016 tỷ 140 triệu đồng. Số phát sinh tạm ứng đến ngày 10-12-2019 là 557 tỷ 647 triệu đồng. Số dư tạm ứng đến ngày 10-12-2019 là 849 tỷ 802 triệu đồng. Kho bạc Nhà nước Nam Định đã thu hồi tạm ứng được 723 tỷ 985 triệu đồng. Một số dự án có tiến độ giải ngân nhanh, thu hồi tiền tạm ứng tốt như: dự án xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thu hồi tạm ứng nhiều nhất, được 455 tỷ đồng; dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc Nam Hà đã thu hồi tạm ứng 39 tỷ 307 triệu đồng; dự án cải tạo nâng cấp đường Bắc - Phong - Đài (Xuân Trường) thu hồi tạm ứng 42 tỷ 300 triệu đồng; dự án xử lý khẩn cấp đê kè Quy Phú từ Km177+900 đến Km180+050 đê Hữu Hồng (Nam Trực) thu hồi tạm ứng hơn 20 tỷ 796 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước Nam Định cũng đề nghị chủ đầu tư thu hồi nộp trả ngân sách số tiền 2 tỷ 006 triệu đồng của 7 dự án do dự án không thực hiện được và thu hồi theo kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước… Đồng chí Đoàn Văn Sơn, Trưởng Phòng Kiểm soát chi khẳng định: “Kho bạc Nhà nước Nam Định luôn tích cực chỉ đạo phòng nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước các huyện chủ động kiểm soát số dư tạm ứng của các dự án; phân tích số dư tạm ứng theo năm, phân loại theo nội dung tạm ứng như xây lắp, thiết bị, chi phí khác, giải phóng mặt bằng… Từ đó, đưa ra các giải pháp quản lý vốn tạm ứng hiệu quả nhất”. Trong quá trình quản lý, theo dõi, Kho bạc đã làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án bằng nhiều hình thức như điện thoại; gửi thông báo đôn đốc, nhắc nhở về tình hình tạm ứng của từng dự án; nhất là những dự án có số tiền tạm ứng lớn, dự án có bảo lãnh tạm ứng sắp hết thời hạn, dự án có số dư tạm ứng quá thời hạn quy định; đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thanh toán thu hồi tạm ứng hoặc gia hạn bảo lãnh tạm ứng gửi Kho bạc theo quy định. Tuy nhiên, có một số dự án mặc dù Kho bạc Nhà nước Nam Định đã nhiều lần đôn đốc nhưng đến nay vẫn còn dư tạm ứng lớn, kéo dài nhiều năm như dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường (383 triệu đồng); dự án Khu di tích văn hoá thời Trần (2 tỷ 594 triệu đồng); dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở Ninh Cơ ở xã Phương Định, Trực Ninh (3 tỷ 537 triệu đồng); dự án kè hồ An Trạch của thành phố Nam Định (607 triệu đồng). Nguyên nhân chính do năng lực quản lý, điều hành dự án của các chủ đầu tư còn hạn chế, chưa thực sự sát sao trong việc đôn đốc các nhà thầu thực hiện hoặc tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ đã đề ra. Một số dự án tạm ứng qua nhiều năm, người đại diện hợp pháp của chủ đầu tư đã thay đổi dẫn đến không thể hoàn thiện hồ sơ để thanh toán thu hồi tạm ứng với Kho bạc. Một số nhà thầu sử dụng vốn tạm ứng sai mục đích dẫn đến bị thua lỗ, không có khả năng thi công tiếp hoặc thi công không đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết như dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở Ninh Cơ ở xã Phương Định, Trực Ninh, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa 700 giường… Dư tạm ứng quá hạn tập trung nhiều ở các dự án phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do chủ đầu tư và các hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng chưa phối hợp chặt chẽ, sát sao trong việc hoàn thiện hồ sơ để thu hồi vốn tạm ứng.
Để đảm bảo thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục thanh toán và thu hồi vốn tạm ứng các dự án đầu tư với Kho bạc theo quy định. Đối với các dự án còn dư tạm ứng quá hạn nhiều năm, trường hợp đã có khối lượng hoàn thành nhưng nghiệm thu ngoài thời gian thực hiện hợp đồng do nguyên nhân khách quan thì chủ đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thu hồi tạm ứng. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá trị khối lượng nghiệm thu và hồ sơ đề nghị thanh toán thu hồi tạm ứng với Kho bạc. Đối với các dự án không có khả năng thu hồi tạm ứng phải tiến hành xác định rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan./.
Bài và ảnh: Đức Toàn