Trong phát triển nông nghiệp hiện đại, các xu thế sản xuất tiết kiệm tài nguyên, hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng được khuyến khích. Tại tỉnh ta, trong trồng trọt, các mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đã được ứng dụng và khẳng định hiệu quả tích cực. Mới đây, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm “Xây dựng hiện trường về chăn nuôi lợn tiết kiệm nước”.
Xây dựng chuồng nuôi lợn tiết kiệm nước theo kỹ thuật chuồng sàn, xử lý chất thải bằng bể biogas tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Với tổng đàn lợn thường xuyên khoảng 750 nghìn con, hàng năm ngành chăn nuôi lợn của tỉnh cung cấp ra thị trường trên 150 nghìn tấn thịt lợn hơi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong phương thức chăn nuôi lợn hiện tại tiêu tốn số lượng không nhỏ tài nguyên nước. Một lượng lớn nước được sử dụng để làm mát, tắm cho lợn và rửa chuồng trại (trung bình 30-50 lít/đầu lợn/ngày) dẫn đến lượng chất thải rắn bị hòa tan vào một khối lượng nước rất lớn tạo nguồn thải lớn, phức tạp cho công tác xử lý vì phải tiến hành phân tách nước thải và lấy bã để sản xuất phân bón dạng rắn; khối lượng lớn dung dịch nước và chất thải chăn nuôi thải ra môi trường cũng gây ra ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước xung quanh trang trại. Chưa kể, do lượng nước lớn đòi hỏi phải tăng thể tích cần thiết của bể phân giải sử dụng cho khí sinh học và làm tăng các chi phí đầu tư xử lý môi trường. Ngoài ra, chất thải sau khí sinh học (lượng chất thải từ bể phân giải khí sinh học) được thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước (nước thải) hoặc thải vào môi trường dẫn đến các rủi ro tiềm tàng gây ô nhiễm nghiêm trọng đất và nguồn nước mặt. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, có tới 80% lượng nước thải từ chăn nuôi lợn vẫn chưa được tận dụng như phân bón hữu cơ và được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng do hiện tượng phú dưỡng môi trường nước, ô nhiễm nước uống và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Nếu xử lý tốt, lượng nước thải này chứa một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng thực vật và các chất hữu cơ, nó có thể được sử dụng như phân bón hữu cơ dạng lỏng, đồng thời làm giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại, hộ chăn nuôi thường sử dụng nước ở sông, ao, hồ để tắm cho lợn, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng… bùng phát và lây lan gây hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Trước thực tế trên, Ban quản lý dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm: “Xây dựng hiện trường về chăn nuôi lợn tiết kiệm nước” tại hơn một chục hộ chăn nuôi ở các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng... Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi lợn thiết kế nền chuồng theo kiểu sàn, có các khe thoát chất thải của tấm sàn bê tông đảm bảo phân lợn rơi xuống mà không bị dính lại tại kẽ hở, tỷ lệ khoảng hở đảm bảo cân đối giúp phân rơi xuống dưới đạt tỷ lệ cao nhất. Đáy hầm chứa phân bên dưới được làm thật nhẵn và phẳng, không có độ dốc để khi mở ống xả bên ngoài thì theo áp lực toàn bộ phân và nước sẽ chảy hết ra ngoài. Trước khi thả lợn vào nuôi, các hộ bơm 10-15cm nước dưới bể chứa phân để khi phân rơi xuống không bị dính xuống nền chuồng, sau 1-2 ngày sẽ tạo ra 1 lớp váng ngăn không cho mùi hôi bốc lên giúp cho cả quá trình nuôi sạch sẽ và hạn chế được mùi hôi. Khi lợn xả thải toàn bộ lượng chất thải rơi xuống bể chứa phân, không ứ đọng lại trên chuồng nền chuồng như hiện nay nên người chăn nuôi không phải sử dụng nước để tắm và rửa chuồng mỗi ngày. Toàn bộ chất thải được xử lý qua hệ thống bể lắng xử lý chất thải 4 ngăn bố trí các ống hút dích dắc ở tầng giữa nên nước và chất thải khi đến bể biogas sẽ rất trong. Do hàm lượng phân trong nước thải còn ít đã giảm tải đáng kể dung tích phải chứa cho bể biogas, nước thải ra ngoài cũng không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn lắng xuống bể sau khi kết thúc một lứa nuôi sẽ được hút lên làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Hiện mô hình chăn nuôi lợn tiết kiệm nước đang cho thấy rất nhiều ưu điểm như: tiết kiệm ít nhất 40% lượng nước sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt so với mức trung bình hiện nay. Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình giảm được trên 2,2 triệu đồng chi phí sử dụng nước cho 50 con lợn/lứa. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình còn giảm chi phí nhân công tắm rửa lợn, chi phí tiền điện, đồng thời giảm đáng kể chi phí đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm, tạo môi trường sạch ở trong và xung quanh khu vực chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe cho người dân, vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Chí Thanh - một hộ chăn nuôi tham gia mô hình tại xã Yên Khang (Ý Yên) cho biết: Trước đây chuồng lợn của gia đình được làm bằng nền bê tông đặc. Để khử mùi hôi do chất thải của lợn ông thường phải bơm nước rửa chuồng và tắm cho lợn mỗi ngày từ 2-3 lần nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên rất khó chịu. Kể từ khi mô hình chuồng sàn được đưa vào sử dụng, hàng ngày ông Thanh chỉ cần đổ thức ăn vào máng cho lợn, không phải tắm và vệ sinh chuồng. Tổng lượng nước sử dụng của lợn nuôi trên chuồng sàn thấp hơn rất nhiều so với đối chứng, từ khoảng 40 lít/con/ngày giảm xuống còn 7-10 lít/con/ngày. Việc tiết kiệm nước này giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước, tiết kiệm nhiều chi phí cho xử lý chất thải và đặc biệt thu được chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng. Như vậy giá thành sản phẩm chăn nuôi giảm, góp phần tăng sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Đức Trang, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) khẳng định hiệu quả to lớn từ mô hình vì không những giải quyết được vấn đề về chất thải chăn nuôi mà còn có tác dụng phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát như hiện nay. Ông Trang chia sẻ, trước khi xây dựng mô hình thực nghiệm, người dân hầu như chưa có thông tin gì về công nghệ chuồng sàn trong nuôi lợn, vì vậy còn thiếu tin tưởng khi đặt vấn đề về xây dựng mô hình. Sau khi làm mô hình thực nghiệm, nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đã đến tham quan, tìm hiểu về công nghệ chuồng sàn đều nhận thấy nhiều lợi ích mang lại.
Mô hình chăn nuôi lợn tiết kiệm nước đã cho thấy hiệu quả thiết thực của việc nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Đây là một trong những giải pháp chăn nuôi lợn tiết kiệm tài nguyên nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và phòng tránh dịch bệnh mà các hộ chăn nuôi cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm và mạnh dạn nhân rộng. Qua đó góp phần phát triển chăn nuôi lợn bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xây dựng giữ gìn môi trường nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh./.
Ngọc Ánh