Là một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản phát triển, tỉnh ta đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, thực hiện tốt các giải pháp cấp bách để khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về một nghề cá có trách nhiệm; trong đó triển khai hiệu quả việc lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá, góp phần truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, là cơ sở để bảo đảm tiêu chuẩn khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Đoàn liên ngành của tỉnh và huyện Hải Hậu kiểm tra việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá tại Cảng cá Ninh Cơ. |
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có 2.136 tàu cá đang hoạt động với tổng số 6.029 lao động trực tiếp khai thác thủy hải sản trên biển; trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có 586 tàu. Theo quy định, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thiết bị phải hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng cá, tự động truyền thông tin qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần (đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên) và 3 giờ/lần (đối với tàu có chiều dài từ 15-24m) qua vệ tinh, thông tin di động GSM hoặc thông tin mặt đất. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng thì chủ tàu, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá về Trung tâm Giám sát tàu cá Trung ương và của tỉnh 6 giờ/lần, phải đưa tàu cá về cảng cá để sửa chữa thiết bị trong 10 ngày. Hiện nay, tỉnh ta đang sử dụng phần mềm giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp, Chi cục Thủy sản tỉnh là cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động tàu cá trên địa bàn tỉnh. Tỉnh bắt đầu được triển khai sử dụng phần mềm giám sát tàu cá từ đầu năm đến nay; các đơn vị tham gia cung cấp thiết bị và kết nối với hệ thống là Viettel, VNPT, Zunibal, Vishipel, Movimar. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác IUU bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn, in phát hàng nghìn tờ rơi, tổ chức vận động các chủ tàu ký cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, sổ thuyền viên của ngư dân trước khi khai thác trên biển; kịp thời cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá của tỉnh; theo dõi cập nhật cơ sở dữ liệu về đăng ký đăng kiểm, cấp phép khai thác trên hệ thống VN Fishbase. Nhờ đó, ngư dân trên địa bàn tỉnh nói chung, các chủ tàu thuyền đánh bắt hải sản nói riêng đã thay đổi nhận thức, tự giác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay toàn tỉnh đã có 100% tàu cá dài từ 24m trở lên lắp đặt và kích hoạt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác hải sản trên biển. Đồng chí Trần Đức Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay Trung ương đã phân quyền truy cập, sử dụng hệ thống cho thông tin giám sát tàu cá Chi cục. Thông qua hệ thống giám sát, các tàu cá khai thác thủy sản trên biển có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều được Chi cục Thủy sản giám sát 24/24 giờ, kịp thời cảnh báo cho tàu khi có dấu hiệu vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản cũng chia sẻ thông tin, phân quyền truy cập vào hệ thống để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh căn cứ tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình xử lý các vi phạm theo quy định khi tàu cá về bờ. Việc vận hành hệ thống giám sát còn giúp lực lượng chức năng phát hiện tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, từ đó xác định và làm rõ nguyên nhân để khắc phục; lập biên bản xử lý theo quy định nếu phát hiện hành động tác động nhằm vô hiệu hóa thiết bị hành trình; đồng thời là cơ sở để các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc cấp giấy chứng nhận sản phẩm khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Chi cục Thủy sản đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, kết nối các thiết bị tàu cá, đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận để xác lập các hồ sơ cơ bản về hoạt động của tàu cá.
Tuy nhiên hiện vẫn còn 547 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, chiếm 24,2% tổng số tàu cá của tỉnh phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định nhưng chưa lắp. Chi cục Thủy sản tỉnh đang tập trung rà soát thực tế, phân loại, thống kê thời hạn giấy phép khai thác, đăng ký, đăng kiểm… để yêu cầu chủ tàu hoàn thiện lắp đặt thiết bị trước khi cấp phép. Đối với số tàu đang nằm bến, Chi cục tiến hành ghi nhận địa điểm, lưu hình ảnh, đề nghị chủ tàu viết cam kết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi ra khơi khai thác, đánh bắt thủy sản. Những tàu cá trước đây tự trang bị, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chất lượng hoạt động không bảo đảm, Chi cục yêu cầu chủ tàu thay thế bằng thiết bị đáp ứng quy định hiện hành. Đối với những tàu bị chìm đắm, mất tích hoặc bị nước ngoài tịch thu…, Chi cục cũng rà soát, phân loại và xóa sổ bộ số tàu không còn hoạt động khai thác thủy sản để rút gọn danh sách tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tỉnh chủ động nắm bắt tình hình giám sát tàu cá; phân công nhiệm vụ, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giám sát tàu cá một cách hợp lý, tăng mức xử phạt vi phạm để chống khai thác IUU; phối hợp với các huyện ven biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng cá Ninh Cơ xử lý các tàu cá tắt kết nối thiết bị giám sát hành trình để giảm triệt để tàu cá vi phạm quy định trong khai thác thủy sản./.
Bài và ảnh: Văn Đại