Nông sản, thực phẩm là một trong số những mặt hàng thiết yếu mà nhu cầu mua sắm, tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh. Đến thời điểm hiện tại, trừ thịt lợn tươi sống, sản lượng các thực phẩm khác đều rất dồi dào. Trong đó, sản lượng gà thịt đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với rau màu, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên sản lượng cao.
Nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân giới thiệu gạo sạch cho người tiêu dùng. |
Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung lợn thịt khan hiếm nên chắc chắn sản lượng thịt lợn tươi sống không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong năm 2019 công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh có bước phát triển mới với tổng số 590 cơ sở, doanh nghiệp; trong đó, nhiều cơ sở tham gia chế biến thịt lợn góp phần cung ứng thịt mát, thịt đông lạnh, thịt lợn sơ chế, thịt lợn ăn liền đảm bảo đủ nhu cầu về thịt lợn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản đã đầu tư công nghệ hiện đại, tham gia sản xuất đa dạng các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết như: gạo, bún miến, bánh đa, bánh kẹo, rau củ quả; giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Điểm nhấn quan trọng trong sản xuất nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết năm nay là các ngành chức năng và các địa phương đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, cung ứng đến tay người tiêu dùng. Trên toàn tỉnh đã xây dựng được 25 mô hình liên kết sản xuất chuỗi giữa các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có 10 mô hình được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thực phẩm. Có 12 doanh nghiệp đã được hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến (HACCP); 41 cơ sở đã xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP; 49 cơ sở đã được hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo nâng cao chất lượng nông sản và xây dựng bản tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho trên 113 nông sản rau, gạo, thủy sản, thịt; 195 sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng, áp dụng tem truy suất nguồn gốc; 36 loại mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống và chế biến đã được tập trung tư vấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Nhờ đó, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý số lượng doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh tăng thêm. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên), các Công ty VinEco, Tuệ Hương, Rau quả sạch Ngọc Anh... cung cấp rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan), Công ty Hùng Vương cung cấp các sản phẩm hải sản chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong tổng nguồn cung hơn 800 nghìn tấn gạo năm 2019, có tới 80% là gạo chất lượng cao. Trong đó, liên doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân và Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui (Nhật Bản) cung cấp ra thị trường các sản phẩm gạo chế biến từ các giống lúa Nhật. Đặc biệt, trong dịp Tết năm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân còn cung cấp ra thị trường được 800 tấn gạo ST25 là loại gạo mới được công nhận ngon nhất thế giới mà Công ty đã đưa giống vào sản xuất trên địa bàn tỉnh trong 3 vụ liên tiếp. Đặc biệt, ưu điểm của giống ST25 khi trồng tại Nam Định cho chất lượng gạo ngon và thơm hơn các địa phương khác nên đã tạo sức thu hút đặc biệt với người tiêu dùng.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Sở Công Thương, từ nay đến giáp Tết, Sở sẽ đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và đơn vị sản xuất, cung ứng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nắm bắt được diễn biến nhu cầu tiêu dùng thực tế, chủ động thúc đẩy hoạt động sản xuất đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020. Do nhu cầu sử dụng thịt lợn chiếm 75% cơ cấu thịt, trong khi không cung ứng đủ lượng thịt lợn tươi sống nên cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng chuyển đổi thói quen sử dụng thịt tươi sống sang sử dụng thịt đông lạnh chất lượng cao do quy trình chế biến, bảo quản mà các doanh nghiệp áp dụng rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên chuyển từ tiêu dùng thịt lợn sang sử dụng các loại thực phẩm khác như gia cầm, thịt bò, thủy, hải sản vì nguồn cung sản phẩm dồi dào./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy