Hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường đang tăng cao nên người nuôi lợn rất “nóng lòng” phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan, lợn giống thiếu... là những điều kiện bất thuận cho việc tái đàn, do đó đòi hỏi người chăn nuôi phải rất thận trọng chuẩn bị kỹ càng khi tái đàn lợn nuôi.
Sử dụng nước vôi bột là một trong những giải pháp hiệu quả để tiêu độc, hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. |
Trong “cơn bão” dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh ta gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người nuôi lợn do dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh. Ngày 21-1-2019, dịch lở mồm long móng tuyp O trên đàn lợn rải rác xuất hiện, trong đó có 74 hộ chăn nuôi tại 18 xã của 6 huyện gồm: Ý Yên, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường, Vụ Bản và Nghĩa Hưng. Dịch lở mồm long móng đã khiến 751 con lợn mắc bệnh, số lợn chết là 82 con. Tiếp đó ngày 8-3-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Trực Thắng (Trực Ninh), sau đó lây lan rất nhanh và bùng phát thành dịch trên toàn tỉnh. Tính đến ngày 31-10-2019, số hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi là 37.354 hộ, số lợn tiêu hủy là 263.247 con, chiếm 33% tổng đàn; trong đó lợn nái 57.439 con (50%), lợn đực 899 con (91%); lợn thịt 142.151 con (26%), lợn con 62.758 con (45,5%). Tổng trọng lượng tiêu hủy 14.368.199,4kg. Ðến ngày 31-10-2019, toàn tỉnh còn 116 xã, phường, thị trấn có dịch chưa qua 30 ngày (chiếm 54,2% tổng số xã có dịch). Bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn suy giảm, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trang trại, gia trại lợn phải tiêu hủy hoàn toàn và treo chuồng. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh dự ước đàn lợn của tỉnh giảm 27,8% (tương đương 218,1 nghìn con); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 10 tháng đầu năm ước giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay phần lớn chuồng trại chăn nuôi lợn vẫn nằm trong khu dân cư, điều kiện về chuồng trại, vệ sinh không tốt; mật độ cao; xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Trong khi đó, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh chưa có; dịch xảy ra kéo dài; bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và hiện chưa khống chế được; công tác xử lý dịch bệnh tại một số địa phương chưa đúng quy trình kỹ thuật; nhiều nơi không có quỹ đất để tiêu hủy lợn bệnh…; vẫn còn tình trạng giấu dịch, tự ý điều trị lợn bệnh, người hành nghề thú y chưa thực hiện tốt trong quá trình tiêm phòng, điều trị làm lây lan dịch bệnh, người nuôi bán chạy lợn bệnh; một số người dân do chưa hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi nên quay lưng lại với các sản phẩm thịt lợn vì vậy việc tiêu thụ của các hộ chăn nuôi còn an toàn bị hạn chế, lợn ùn ứ khiến người nuôi lợn gặp khó khăn.
Thận trọng tái đàn lợn nuôi
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn cả nước sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ thiếu hụt thịt lợn trong những tháng tới rất lớn, đã được các bộ, ngành chức năng dự báo. Ðó là lý do khiến giá thịt lợn tăng cao chóng mặt và người nuôi lợn càng “sốt ruột” tái đàn để tranh thủ thị trường dịp cao điểm. Nhận thức được những khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn mà ngành cũng như người chăn nuôi có thể gặp phải khi tái đàn lợn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để tìm giải pháp trước mắt tái đàn an toàn, về lâu dài phát triển nuôi lợn hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh ta. Ghi nhận tại diễn đàn này, các ý kiến đều khẳng định, đây là thời điểm thích hợp nhất để “tái cấu trúc” lại ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tập trung và có điều kiện; từng bước loại bỏ hình thức chăn nuôi tự phát, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh. Anh Nguyễn Việt Hùng, chủ trang trại nuôi lợn có quy mô từ 300-500 con lợn/lứa ở xã Yên Lợi (Ý Yên) cho rằng: Hiện nay, một số địa phương đã công bố hết dịch; một số nơi đã qua một thời gian không xuất hiện trở lại; những hộ có lợn mắc bệnh chết phải tiêu hủy đã được nhận kinh phí hỗ trợ nên mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, nguồn lợn giống hiện thiếu hụt, chỉ có những trang trại lớn, an toàn mới có nguồn giống và hầu như không bán ra ngoài bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trong quá trình vận chuyển. Thực tế này có thể dẫn đến nhiều hộ có tiền hỗ trợ sẽ tìm cách mua lợn giống từ nơi khác về nuôi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm, bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi trở lại cho chính gia đình họ và những hộ chăn nuôi khác trong địa bàn. Khi đó không chỉ “tiền mất, tật mang”, tay trắng gánh thêm “đống nợ”.
Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi), trước hết cần tập trung triển khai tuyên truyền phổ biến sâu rộng Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; hướng dẫn phổ biến rộng rãi các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kinh nghiệm của các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn không bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý đàn, giám sát, phát hiện hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương phải tăng cường quản lý, giám sát, không để tình trạng bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch. Ðối với các bệnh có vắc-xin cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn lợn theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn không làm lây lan dịch do việc tiêm phòng. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch tiếp tục thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, đặc biệt bảo vệ đàn lợn nái bảo đảm nguồn giống cung cấp cho nhu cầu tái đàn khôi phục sản xuất. Các hộ chăn nuôi đã bị dịch thực hiện cải tạo, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh và tuân thủ nghiêm quy định hướng dẫn về tái đàn, chỉ nhập lợn giống vào nuôi khi được chính quyền địa phương cho phép phải đăng ký và cam kết với chính quyền về số lượng, chủng loại lợn, thời điểm tái đàn, các điều kiện an toàn sinh học; thực hiện tái đàn từng bước, từng vùng đảm bảo an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đối với các gia trại, trang trại trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn; công bố danh sách 13 doanh nghiệp, trung tâm đủ điều kiện cung cấp giống lợn bảo đảm chất lượng cho người nuôi lợn lựa chọn; hạn chế tình trạng mua lợn giống trôi nổi, không kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh. Ðể đối phó với những nguy cơ lây lan dịch bệnh, Chi cục cũng đã có công văn gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị thông báo danh sách cho Chi cục khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các đơn vị bán lợn giống cho người nuôi ở Nam Ðịnh để giám sát, theo dõi và kiểm soát chất lượng con giống. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tổ chức xây dựng ở mỗi huyện một mô hình điểm về tái đàn để rút kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật, quy mô tái đàn... Theo đó, Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương chọn hộ có nhu cầu và khả năng tái đàn, tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống đầu vào và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi, hỗ trợ một số chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi. Ðồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong điều kiện hiện nay, việc tái đàn chỉ khuyến khích ở các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi được đầu tư bài bản, đồng bộ. Sở đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể việc tái đàn đối với các trường hợp chưa bị dịch, đã bị dịch và tiêu hủy một phần hoặc đã bị dịch và phải tiêu hủy hoàn toàn.
Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế triệt để, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ nên chuyển hướng sang các đối tượng con nuôi khác để đảm bảo sinh kế và an toàn chung. Các trang trại, gia trại, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ sản xuất đồng bộ thì tái đàn một cách thận trọng, không ồ ạt chạy theo lợi nhuận, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh trong quá trình nuôi thường xuyên phân tích tầm soát nguy cơ và đúc rút kinh nghiệm để đảm bảo hiệu quả khi tái đàn mở rộng, khôi phục ngành chăn nuôi lợn của tỉnh ta trong những năm tới, góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại