Sản xuất vụ xuân 2020 trong điều kiện khí hậu biến đổi khó lường, thời tiết ấm, khả năng thiếu nước và mặn xâm nhập sâu, trong khi nguồn bệnh mang vi-rút gây bệnh lùn sọc đen vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng. Vì vậy, các địa phương cần tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra.
Phun trừ kịp thời những diện tích lúa có biểu hiện nhiễm bệnh lùn sọc đen tại xã Minh Tân (Vụ Bản). |
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm 2019 do thời tiết đầu vụ nắng nóng, ít mưa làm cho lúa sinh trưởng chậm lại. Các lứa rầy phát sinh sớm hơn 2-3 ngày so với vụ mùa năm 2018; mật độ rầy ở các huyện phía bắc tỉnh thấp hơn các huyện phía nam tỉnh; đặc biệt rầy lứa 4, lứa 5 có mật độ phổ biến 100-200 con/m2, nơi cao 500-700 con/m2, cá biệt có nơi 1.000-2.000 con/m2. Qua kết quả thu thập mẫu, giám định vi-rút lùn sọc đen trên 270 mẫu rầy lưng trắng, 270 mẫu lúa và 4 mẫu lúa chét của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy số mẫu thu ở các xã Nam Toàn (Nam Trực); Hồng Thuận, Giao Tiến (Giao Thủy); Liêm Hải, Trực Thuận (Trực Ninh); thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Liên Bảo (Vụ Bản)... dương tính với vi-rút lùn sọc đen, do đó vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho lúa xuân năm 2020. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay các huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen và phân công nhiệm vụ gắn trách nhiệm cụ thể đối với các ngành thành viên; tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài truyền thanh về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh; tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong điều kiện có nguy cơ bùng phát thành dịch. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực điều tra, giám sát sự biến động mật độ rầy lưng trắng tại nơi rầy trú ngụ sống qua đông như lúa chét, cỏ dại, ruộng bỏ hoang, ngô đông; điều tra, giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng trên mạ, lúa xuân; tập trung lấy mẫu rầy ở những nơi đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen ở những vụ trước để giám định vi-rút. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã tổ chức vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt cỏ dại họ hòa thảo; đẩy nhanh tiến độ cày lật đất vùi dập lúa chét, gốc rạ ở những nơi có điều kiện làm ải, bón vôi bột cải tạo đất; tổ chức khoanh vùng giữ nước ngâm ruộng trong thời gian dài đối với diện tích làm dầm; điều tra, giám sát mật độ rầy trên lúa chét, ruộng mạ gieo sớm; lấy mẫu rầy, mẫu mạ phân tích, giám định vi-rút. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vụ xuân này chỉ sử dụng một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như: Nếp 97, TBR225, TBR279, LP5, HDT10, Nếp Hưng Yên, Nàng xuân... để thay thế dần giống lúa Bắc thơm số 7 nhiễm rầy và bệnh lùn sọc đen. Khi gieo mạ bà con nông dân thực hiện che phủ ni lông cho 100% diện tích mạ xuân để chống rét và chống rầy xâm nhập. Đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ xuân 2020, huyện đã chuẩn bị đủ lượng giống chất lượng cung cấp cho bà con sản xuất; tổ chức tuyên truyền, phân công cán bộ xuống các hợp tác xã hướng dẫn nông dân thực hiện bảo vệ mạ, lúa sạ kết hợp giám sát rầy ngay từ đầu vụ; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý bệnh, xử lý hạt giống, phòng trừ rầy lưng trắng cho cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn; xây dựng nội dung tuyên truyền; hướng dẫn quy trình thâm canh lúa xuân trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh cao. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chuyên môn điều tra, phát hiện sớm rầy di trú sau vụ xuân, các lứa rầy phát sinh trong sản xuất vụ mùa; tham mưu các biện pháp chỉ đạo phòng, chống bệnh hiệu quả và kịp thời. Thông báo sớm kết quả điều tra, giám định vi-rút, đề xuất các biện pháp xử lý; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch và báo cáo thường xuyên kết quả triển khai thực hiện về UBND huyện... Triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen,
UBND huyện Giao Thủy đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tổng vệ sinh đồng ruộng, cắt dọn cỏ dại, vệ sinh ruộng hoang để tiêu diệt ký chủ phụ của bệnh, đẩy nhanh tiến độ làm đất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh lùn sọc đen, các biện pháp thâm canh lúa và phòng, chống bệnh lùn sọc đen để người dân tự giác thực hiện. Hướng dẫn nông dân gieo cấy tập trung, bảo đảm đúng khung thời vụ và sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn “cùng giống, cùng trà, cùng cánh đồng”; thực hiện bón phân cân đối N, P, K theo quy trình hướng dẫn nhằm tạo giàn lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng sức đề kháng của lúa xuân. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi xong trước ngày 15-1-2020 để đảm bảo vận hành điều tiết nước phù hợp phục vụ làm đất, gieo cấy lúa xuân.
Bệnh lùn sọc đen là bệnh do vi-rút, có khả năng gây hại lớn cho lúa. Vụ xuân là vụ sản xuất quan trọng và được dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường. Do vậy sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và các địa phương nhằm ngăn chặn, hạn chế nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh lùn sọc đen hại lúa là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi sản xuất vụ xuân./.
Bài và ảnh: Văn Đại