Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động vận chuyển góp phần lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu dịch vụ theo hướng gia tăng sản lượng, giá trị các dịch vụ chuyển phát hàng hóa trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Doanh thu hoạt động dịch vụ thương mại điện tử của Bưu điện tỉnh tăng đều qua các năm, năm 2019 tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhân viên Trung tâm Khai thác vận chuyển hàng hóa, Bưu điện tỉnh phân loại bưu kiện. |
Để thực hiện tốt dịch vụ thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung khai thác dịch vụ chuyển phát, đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển hàng hóa và các dịch vụ gia tăng khác như khai thác kho bãi, trung chuyển; khắc phục triệt để tình trạng bưu phẩm, bưu kiện tồn đọng trong ngày. Bưu điện tỉnh tổ chức thực hiện 2 chiều chuyển phát đi và về với tổng số trên 200 tuyến đường thư cấp 1, 2, 3 và đường thư quốc tế. Với phương châm khai thác linh hoạt các đường thư, Bưu điện tỉnh đã áp dụng phân luồng thu gom hàng hóa, đảm bảo bưu kiện từ các bưu cục về Trung tâm Khai thác vận chuyển cách nhau 15 phút. Đồng thời áp dụng hình thức chuyển thẳng hàng hóa từ các bưu cục cấp 2, cấp 3, bưu điện văn hóa xã có sản lượng hàng hóa lớn đến các Trung tâm trung chuyển vùng mà không phải qua Trung tâm Khai thác vận chuyển Bưu điện tỉnh. Trung bình mỗi ngày có 5-8 tấn hàng hóa được chuyển thẳng, góp phần tiết kiệm chi phí, kịp thời lưu thoát hàng hóa, rút ngắn toàn trình hàng hóa. Trong năm 2019, Bưu điện tỉnh đã áp dụng đường thư phi tuyến từ thành phố Nam Định đi các tỉnh lân cận như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng… mà không qua đơn vị trung gian là Trung tâm khai thác vùng như trước đây. Do đó, hành trình vận chuyển được rút ngắn từ 3 hoặc 4 ngày xuống còn 1,5 đến 2 ngày. Hệ thống bưu cục ở 10 huyện, thành phố đã bố trí ít nhất 2 đến 3 nhân viên kinh doanh thương mại điện tử/đơn vị và được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại như xe chuyên dụng, lồng, rổ để phân loại, vận chuyển, nâng hạ sắp xếp hàng hóa. Năm 2018, Bưu điện tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm khai thác vận chuyển với diện tích trên 100m2, công suất hoạt động 18 giờ/ngày (bắt đầu từ 4 giờ sáng). Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh còn sử dụng các phương tiện xã hội như xe bus, tàu hỏa, máy bay để vận chuyển hàng hóa một cách an toàn và nhanh nhất. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh đã ứng dụng rộng rãi ứng dụng phần mềm Merchant Site để hỗ trợ khách hàng quản lý đơn hàng, quản lý dòng tiền tạo sự minh bạch giữa VN.Post và khách hàng. Theo đó, khách hàng tự tạo đơn hàng trên phần mềm chuyên dụng, thông tin đó được kiểm chứng và sao lưu dữ liệu sử dụng trong toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa. Ưu điểm của phần mềm này ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân công cho đơn vị còn cho phép khách hàng có thể kiểm soát tình trạng hàng hóa của mình di chuyển đến đâu cũng như việc vận chuyển có thành công hay không. Cách làm này đã tiết kiệm tối đa thời gian giao nhận hàng và nâng cao trách nhiệm của nhân viên đối với công việc giao nhận hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chị Phạm Thúy Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: tôi bán hàng online nên thường xuyên gửi và nhận hàng qua bưu điện. Trước đây, tôi gửi cho khách hàng ở Quảng Ninh phải mất 3 hoặc 4 ngày khách mới nhận được thì hiện nay, sau 1,5 ngày bưu kiện đã gửi đến tận tay khách, đảm bảo an toàn. Đối với những khách hàng kỹ tính hoặc cần hàng gấp thường hỏi về lộ trình vận chuyển hàng hóa, tôi dễ dàng tra cứu thông tin giờ hàng đến, tên và số điện thoại của nhân viên giao hàng qua mạng internet để thông báo cho khách hàng yên tâm và tiện liên hệ trực tiếp khi phát sinh yêu cầu thay đổi đột xuất về địa chỉ, thời gian giao nhận. Nhờ vậy tôi chiếm được nhiều tình cảm của khách hàng hơn, đơn hàng bán ra thị trường ngoại tỉnh ngày một nhiều lên.
Đồng chí Lưu Văn Sơn, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Phát triển dịch vụ thương mại điện tử là nhu cầu tất yếu của đơn vị. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục rà soát, hợp lý hóa hành trình vận chuyển hàng hóa để đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng; đưa ra các gói sản phẩm phù hợp để khách hàng lựa chọn; tổ chức thêm các đường thư linh hoạt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, vận chuyển; nâng cao nghiệp vụ, văn hóa giao tiếp với khách hàng. Đặc biệt trong năm 2020, đơn vị đẩy mạnh việc phát triển sàn giao dịch điện tử Postmart với mục tiêu mang những đặc sản địa phương trên mọi miền đất nước đến tận tay người tiêu dùng thông qua hình thức mua sắm trực tuyến trên website Postmart.vn. Trong đó Bưu điện tỉnh hướng đến cung cấp những sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm làng nghề truyền thống và do các hộ kinh doanh cá thể có uy tín sản xuất để tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần thúc đẩy giao thương, buôn bán hai chiều qua dịch vụ của Bưu điện./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương