Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tiến độ theo lộ trình đã đề ra.
Triển khai thu viện phí qua ngân hàng sẽ góp phần giảm áp lực cho bệnh viện, tạo thoải mái cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. (Trong ảnh: Thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Đến nay, đã có 6 ngân hàng đang tiến hành các bước tiếp cận với các trường học và bệnh viện đã lựa chọn triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương chi nhánh Nam Định (Vietcombank Nam Định); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Thành Nam (BIDV Thành Nam); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh tỉnh Nam Định (Vietinbank Nam Định); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Định (Agribank Nam Định); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Nam Định (Agribank Bắc Nam Định); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh thành phố Nam Định (Vietinbank thành phố Nam Định). Trong đó, BIDV Thành Nam là đơn vị đầu tiên triển khai thành công dịch vụ thu hộ học phí cho Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Hiện tại, BIDV Thành Nam đã xây dựng được hệ thống trao đổi dữ liệu của trường với ứng dụng Thanh toán hoá đơn giúp nhà trường có thể đăng nhập và trích xuất báo cáo danh sách sinh viên đã thanh toán, sinh viên chưa thanh toán vào bất kỳ thời điểm nào. Các hình thức thu hộ gồm: Thu tự động, thu tại quầy giao dịch, thu qua ATM và IBMB (dịch vụ ngân hàng điện tử trên thiết bị di dộng thông minh). Từ đầu năm đến nay, BIDV Thành Nam đã triển khai thu hộ học phí với 233 lượt giao dịch, tổng tiền thanh toán là 1,5 tỷ đồng. Dự kiến, đến đầu năm 2020, BIDV Thành Nam sẽ mở rộng dịch vụ thu học phí sang khối các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Nam Định. Vietinbank thành phố Nam Định đã làm việc với Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh; Vietcombank Nam Định hiện đã tiếp cận và làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi tỉnh; Vietinbank Nam Định đã triển khai làm việc phối hợp với các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Phạm Hồng Thái, Trung tâm Y tế thành phố; Agribank Nam Định đã thống nhất về chủ trương, phương án và giải pháp triển khai thu hộ học phí với Trường Tiểu học Chu Văn An, Bệnh viện Phổi tỉnh; Agribank Bắc Nam Định đã tiếp xúc và làm việc với các bệnh viện: Mắt, Y học cổ truyền, Nội tiết, Đa khoa Sài Gòn và bệnh viện đa khoa các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên… Đại diện Vietinbank thành phố cho biết, hiện tại, ngân hàng đã làm việc với các bệnh viện và trường học trên địa bàn. Bước đầu, đối với khối bệnh viện, Vietinbank thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp thanh toán bằng thẻ ATM tích hợp thẻ khám chữa bệnh, thanh toán qua máy POS và qua quét mã QR Code; đối với khối trường học sẽ tập trung triển khai giải pháp thanh toán thu học phí theo lô trực tuyến và thu học phí qua quầy. Theo đó, đối với thu học phí trực tuyến, Vietinbank trích nợ tự động từ tài khoản của khách hàng để thanh toán tiền học phí đã được đăng ký với nhà trường. Mọi thao tác thu/nộp học phí đều được thực hiện hoàn toàn tự động và chính xác. Đối với thu viện phí, Vietinbank thành phố sẽ tập trung phát hành miễn phí thẻ khám bệnh tích hợp với phần mềm bệnh viện, mã vạch thẻ tích hợp với mã số của bệnh nhân có chức năng thanh toán, sử dụng như thẻ ATM thông thường. Người dân sẽ chủ động nạp tiền vào thẻ khám bệnh, sử dụng thẻ để thanh toán viện phí, phí xét nghiệm, phí khám chữa bệnh… Dự kiến, đầu tháng 12-2019, ngân hàng sẽ tiến hành ký kết hợp đồng và triển khai thí điểm dịch vụ tại trường học và bệnh viện.
Tuy nhiên, việc ngân hàng thu hộ học phí, phí khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập như: Người dân đi khám, chữa bệnh chậm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ để thanh toán, còn nhiều vướng mắc trong quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong y tế; các phương thức thanh toán cho đối tượng có và không có tài khoản; xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR code y tế; công tác truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đến người dân chưa được phổ biến rộng rãi; cơ chế về phí giao dịch, phương thức hoàn trả tiền tạm ứng viện phí; quy trình bảo mật thông tin khách hàng... Bên cạnh đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập do hạ tầng công nghệ thông tin, trao đổi thông tin dữ liệu khách hàng ở bệnh viện còn hạn chế, việc bố trí địa điểm, nhân sự hỗ trợ các bệnh nhân sử dụng dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp thanh toán phù hợp với trình độ công nghệ thông tin của bệnh nhân còn hạn chế. Việc phối hợp triển khai giữa các ngân hàng thương mại và các đơn vị bệnh viện, trường học còn chậm do phải chờ chỉ đạo, thống nhất từ phía các sở, ngành liên quan.
Để bảo đảm lộ trình triển khai thu học phí, viện phí qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh thành công và hiệu quả, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường truyền thông về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không tiền mặt góp phần thuyết phục người dân dần từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán học phí, viện phí. Các bệnh viện, trường học xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các ngân hàng xây dựng các tài liệu hướng dẫn quy trình thanh toán viện phí, phí qua ngân hàng. Ngoài ra, trường học, bệnh viện cũng đã bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán viện phí không dùng tiền mặt một cách thuận tiện; qua đó người dân từng bước bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí. Các sở, ngành cần tích cực xây dựng chính sách, chủ trương rõ ràng trong việc phối hợp triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt giữa ngân hàng với bệnh viện và trường học./.
Bài và ảnh: Đức Toàn