Chim yến vốn là loài chim phương Nam với khí hậu nóng ấm quanh năm; sinh sống, làm tổ trên vách đá cao ngoài hải đảo hoặc trong những hang, động ven biển. Đặc biệt tổ yến được làm bằng vật liệu riêng là “dãi” yến và được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng. Tổ yến có giá trị kinh tế rất cao, do vậy nuôi chim yến đã thành một nghề ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam. Gần đây trên địa bàn tỉnh có một số hộ dân đầu tư hàng tỷ đồng làm nhà nuôi chim yến cho dù điều kiện khí hậu mùa đông khắc nghiệt có mưa lạnh kéo dài.
Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm soát tình hình nhà yến qua thiết bị theo dõi từ xa. |
Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu), đã đầu tư xây ngôi nhà 3 tầng ngay gần biển, trang bị dàn thiết bị âm thanh thu hút chim yến. Cứ độ 5 giờ chiều, hàng nghìn con chim yến ríu rít về xây tổ. Anh Thuận đã từng thành công với nhiều mô hình làm kinh tế như trồng đinh lăng, nuôi thủy sản, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng Lương Định Của (năm 2018). Quá trình nuôi thủy sản, anh quan sát, phát hiện ở các khu vực đầm nuôi thủy hải sản, cánh đồng lúa, rau màu và rừng ngập mặn rộng lớn hàng nghìn ha tạo thành hệ sinh thái phong phú, trong lành cung cấp thức ăn tự nhiên thu hút nhiều chim yến về kiếm ăn. Anh tìm hiểu được biết chim yến đã được nhiều nơi nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nên có ý tưởng nuôi ngay tại quê nhà. Nghĩ là làm, đầu năm 2019, anh Thuận đã mạnh dạn xây nhà nuôi yến theo công nghệ Malaysia với diện tích 100m2 mỗi tầng. “Đất lành chim đậu”. Đến nay sau 3 tháng đi vào hoạt động, nhà yến đã dụ được khoảng 2.000 con chim về cư trú, làm tổ. Ý tưởng táo bạo của anh đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, còn phải chờ xem sức chống chịu của đàn chim với thời tiết có mưa phùn, giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Hiện tại anh Thuận đã có phương án để chăm giữ đàn chim yến vào những ngày đông lạnh như nuôi chim trong nhà và bổ sung thức ăn cho chim. Ngoài gia đình anh Thuận, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có một số hộ dân ở huyện Nam Trực và thành phố Nam Định cũng phát triển nuôi chim yến lấy tổ. Theo tính toán của các hộ nuôi chim yến trên địa bàn thì với chi phí ban đầu gần 2 tỷ đồng cho một nhà yến, nếu thuận lợi sẽ cho thu mỗi tháng từ 3-5kg tổ. Giá bán tổ yến thô hiện nay khoảng 25 triệu đồng/kg, doanh thu hàng tháng sẽ có thể lên đến gần trăm triệu đồng. Nếu thành công, mô hình nuôi chim yến có thể sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội nghề nuôi yến Việt Nam thì nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao ở 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Do biến đổi khí hậu, mùa đông ngày càng ấm nên địa bàn nuôi yến đang dần dịch chuyển mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Tại các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình đã phát triển nuôi yến lấy tổ thành công. Tuy nhiên, nghề nuôi yến đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật xây dựng và quy trình nuôi và phải nghiên cứu kỹ về đặc tính của chim yến để “chiều”. Tường nhà nuôi yến phải xây 2 lớp để cách âm, cách nhiệt, chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc thu hút yến đến làm tổ. Theo đó nhiệt độ trong nhà yến tốt nhất duy trì từ 26-310C. Độ ẩm thích hợp từ 74-85% và nếu độ ẩm dưới 74% thì yến không làm tổ vì độ bám dính kém, nền tổ yến bị bong tróc. Độ ẩm này phải duy trì liên tục, ổn định cả ngày và đêm kể từ khi nhà yến hoạt động mới duy trì được. Ánh sáng trong nhà yến phải yếu, không lộ sáng để bảo vệ tổ và chim non. Ngoài ra phải tính toán thiết kế chỗ đậu cho chim và lựa chọn âm thanh dẫn dụ chim. Trong quá trình nuôi chim cũng cần đặc biệt quan tâm việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà nuôi và cách phòng thiên địch (rắn, chuột, chim cắt, chim cú) bảo vệ đàn yến… Thậm chí mỗi lần có người vào thăm hay vệ sinh nhà nuôi đều phải rất cẩn thận bởi phát hiện có mùi lạ chim yến sẽ bỏ đi.
Đặc biệt, hiện tại chưa có kinh nghiệm thực tế về sức khỏe đàn yến và việc chăm sóc trong thời gian mùa đông với những đợt không khí lạnh nhiệt độ giảm thấp xuống đến 10 độ C và có kèm theo mưa phùn không thuận lợi cho chim yến kiếm ăn. Bên cạnh đó cũng phải tính đến những tác động môi trường mà chim yến gây ra khi tập trung đàn lớn và đảm bảo an toàn dịch bệnh nhất là nhóm bệnh cúm. Đó là những vấn đề cần được các địa phương, cơ quan chuyên môn và người đầu tư quan tâm, chủ động giải pháp quản lý trước khi mô hình kinh tế này được nhân rộng, tránh bị động trước những hậu quả môi trường, xã hội phát sinh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương