Tập trung nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại Nghĩa Hưng

08:11, 25/11/2019

Trước tình trạng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nhiều địa phương còn thấp, từ đầu năm 2019 UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm đưa các nhà máy nước vào vận hành, mở rộng địa bàn cung ứng nước sạch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nông thôn thay đổi nhận thức, sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Nỗ lực của các ngành, các địa phương đã đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2019 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 99,85%; trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch ước đạt 75,6%, vượt 0,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện mục tiêu hết năm 2020 có 95% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vẫn là bài toán khó, nhiều vướng mắc. Trong đó huyện Nghĩa Hưng là địa phương gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các xã đã có doanh nghiệp đầu tư nhà máy mới đạt khoảng 10%.

Công nhân nhà máy nước Phú Mỹ Tân, xã Nghĩa Sơn vận hành hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân.
Công nhân nhà máy nước Phú Mỹ Tân, xã Nghĩa Sơn vận hành hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng để cung ứng nước cho 11 xã của huyện Nghĩa Hưng gồm: Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc. Đến nay, Công ty đã thi công mạng đường ống truyền tải, cấp nước cho 7 xã; còn 4 xã Nghĩa Thành, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc theo lộ trình đến năm 2020 sẽ hoàn tất đầu tư xây dựng. Mặc dù hệ thống đã cấp nước tới 7 xã nhưng đến nay công suất cung ứng nước của Công ty mới đạt 1.000 m3/ngày đêm, quá thấp so với công suất thiết kế của các nhà máy và so với số lượng dân cư địa phương, ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư, khó duy trì sản xuất, thu hồi vốn của doanh nghiệp. Ngoài nhóm hộ gia đình thì các cơ quan, đơn vị có số lượng người dùng nước nhiều như bệnh viện, trường học vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan mà chưa sử dụng nước sạch do doanh nghiệp cung cấp. Mặc dù UBND huyện, xã, thị trấn đã có văn bản khuyến khích, vận động nhân dân, các đơn vị, tổ chức, nhất là các cán bộ, đảng viên tích cực sử dụng nước sạch, góp phần cùng địa phương hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch nhưng kết quả vẫn chuyển biến chậm. Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Nam Định đang triển khai dự án nâng công suất nhà máy cấp nước sạch Quỹ Nhất để mở rộng cấp nước cho 5 xã, thị trấn thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng gồm Nghĩa Hùng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hải, Nam Điền, Rạng Đông. Là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, có nhiều kinh nghiệm thực tế; lường trước những khó khăn trong quá trình vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch nên Công ty đã chủ động đề xuất lộ trình đầu tư của dự án theo hướng dài hơi từ năm 2019-2022. Tuy nhiên, kết quả quan trắc khảo sát địa bàn lựa chọn phương án xây dựng nhà máy cho thấy là trữ lượng nước ngầm tại địa bàn huyện Nghĩa Hưng ngày một sụt giảm. Rõ ràng việc chưa siết chặt quản lý hoạt động khai thác nước ngầm không chỉ làm cạn kiệt nhanh nguồn tài nguyên nước ngầm mà còn là nguyên nhân chậm tham gia sử dụng nước sạch từ phía người dân, các đơn vị tổ chức, gây áp lực về hiệu quả đầu tư, thu hồi vốn của doanh nghiệp. Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26-12-2018 của Chính phủ về hạn chế khai thác nước dưới đất quy định phải siết chặt quản lý hoạt động khai thác, cấp phép khai thác nước ngầm đối với tất cả các tổ chức, cá nhân; chỉ cấp quyền khai thác nước ngầm cho doanh nghiệp, tổ chức khi chưa có đơn vị cấp nước mặt; ưu tiên khai thác nước ngầm cho hoạt động cấp nước sinh hoạt.

Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hưng khẳng định, từ đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân, cơ quan, công sở, đặc biệt là các đảng viên cần tích cực tham gia sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh. Tuy nhiên chính quyền chỉ có thể tác động nhận thức, thay đổi nhu cầu sử dụng nước bằng cách tuyên truyền, vận động chứ không thể áp đặt, giao chỉ tiêu cho người dân. Nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, tại cuộc họp thống nhất phương án tháo gỡ vướng mắc giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch ngày 13-11 vừa qua, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc tham gia sử dụng nước sạch là giao dịch dân sự giữa người dân và doanh nghiệp. Vì vậy bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của ngành chức năng và các địa phương, các đơn vị cung cấp nước sạch cũng phải nâng cao trách nhiệm tham gia vận động, thuyết phục người dân tin tưởng sử dụng nước sạch do đơn vị mình cung ứng. Chủ động thực hiện phương án cung ứng nước hiệu quả, phù hợp với tình hình sử dụng của người dân để giảm tối đa thiệt hại kinh tế. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nghĩa Hưng phải căn cứ quy định của pháp luật siết chặt quản lý, xử lý vi phạm khai thác nước ngầm trái phép của các cá nhân, đơn vị, tổ chức; ưu tiên cấp phép khai thác nước ngầm cho hoạt động cung ứng nước sạch, có nộp thuế; chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý hoạt động khai thác nước ngầm bằng giếng khoan, không được cấp phép gây thất thoát nguồn tài nguyên nước ngầm theo quy định tại Nghị định 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com