Càng ngày việc ứng dụng thương mại điện tử, nhất là sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo)... để kinh doanh càng nở rộ. Trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết các trang mạng bán hàng trực tuyến hiện nay đều thiết lập tự do, không đăng ký thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể; giá hàng hóa chào bán cũng không chính xác; nội dung quảng cáo do người quản lý trang tự làm; chỉ quan tâm mục đích câu khách nên không ít quảng cáo phản cảm, không đúng chất lượng sản phẩm. Việc giao dịch mua bán trên các diễn đàn, mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào... Cũng vì dễ dãi trong cả việc bán và mua nên nhiều đơn vị kinh doanh đang lợi dụng tung hàng kém chất lượng trục lợi, lừa đảo. Việc quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng đang là bài toán khó đòi hỏi sự vào cuộc của các sở, ngành có liên quan, các lực lượng chức năng; sự chủ động, minh bạch của đơn vị kinh doanh sản phẩm và sự thông thái của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng hóa theo phương thức truyền thống tại thành phố Nam Định. |
Theo khảo sát của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hàng năm, tỷ lệ mua hàng qua Facebook, Zalo... đạt 70%; tỷ lệ sử dụng ứng dụng điện thoại để mua sắm đã tăng tới 72%. Tuy nhiên về mức độ hài lòng của khách hàng chỉ đạt 46%. Điều này cho thấy, khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng khó kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc của hàng hóa, tính rủi ro cao, hàng giao không đúng như sản phẩm đã đặt mua. Chị Nguyễn Thu Huyền, phường Quang Trung (thành phố Nam Định), cho biết: Sản phẩm được rao bán qua mạng rất phong phú về chủng loại từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến những sản phẩm có giá trị lớn. Do công việc bận rộn nên chị thường xuyên đặt mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, không ít lần chị nhận được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, sai khác hoàn toàn về mẫu mã so với hình ảnh quảng cáo. Mặc dù đã phản hồi với người bán hàng, song việc đổi, trả hàng hóa phức tạp, mất nhiều thời gian. Thậm chí, nhiều trường hợp bên bán hàng chủ ý lừa gạt, không thiện chí giải quyết, xóa ngay tài khoản nên người mua hàng bị ức chế vì tiền mất, hàng không dùng được. Tình trạng giống như của chị Huyền diễn ra khá phổ biến đối với các “tín đồ” mua sắm trực tuyến. Băn khoăn là vậy nhưng do lợi thế của việc mua hàng qua mạng là quảng cáo trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh trên máy tính hoặc điện thoại có sự hỗ trợ của công nghệ làm cho sản phẩm bắt mắt hơn so với thực tế khiến người tiêu dùng dễ “cắn câu”. Trong khi đó đại diện Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết, mặc dù đến nay đơn vị chưa xử lý vụ việc nào rõ ràng từ việc kinh doanh hàng qua mạng nhưng những biểu hiện về cách thức giao hàng, địa chỉ gửi nhận cho thấy có nhiều điều phải bàn về chất lượng hàng hóa mua bán theo hình thức này. Tình trạng vi phạm chủ yếu dưới hình thức: Hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn chứng từ; tem nhãn không rõ ràng; hàng hóa không còn nguyên dạng. Cụ thể năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường Nam Định đã phát hiện và bắt giữ 2 xe ô tô mang biển số 29C-688.08 và 29C-67.529 vận chuyển 39 nhóm hàng hóa gồm: mỹ phẩm, quần áo, vải, giầy dép, túi xách, thiết bị điện, điện tử, dụng cụ cơ khí, đồ gia dụng, thuốc lá… Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa chuyên chở trên xe đều mang nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất nhưng không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ đảm bảo lưu thông hợp pháp. Theo lời khai ban đầu của lái xe, số hàng hóa trên hầu hết là quà biếu, tặng nên không có hóa đơn, chứng từ theo hàng; một phần khác là của các bạn hàng gửi nhà xe vận chuyển thuê đến rất nhiều địa chỉ nhận; nhà xe chỉ nhận vận chuyển hàng lấy công nên chỉ lấy thông tin địa chỉ người nhận. Qua xác minh cụ thể một số địa chỉ giao nhận trên bao bì hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện đây không phải là dịch vụ chuyển phát quà tặng như lời khai của lái xe bởi nhiều gói hàng có cùng địa chỉ người gửi nhưng có rất nhiều địa chỉ nhận với số lượng hàng, giá tiền trao đổi ghi rõ ngoài bao bì… Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ hàng hóa và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài hai xe hàng trên, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại thông qua hình thức chuyển phát hàng hóa khác. Hàng hóa kinh doanh qua mạng vi phạm nghiêm trọng cả về chất lượng và cách thức kinh doanh nhưng do những món hàng này thường là hàng tiêu dùng, có giá trị nhỏ, quá trình mua bán diễn ra công khai, do hai bên tự thỏa thuận trao đổi trên mạng nên dù bị vi phạm chất lượng hàng hóa, người mua cũng không đủ chứng lý để khiếu nại, đòi quyền lợi cho mình.
Để tăng cường quản lý kinh doanh qua mạng, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ hoạt động bán hàng trên mạng phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trụ sở thương nhân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các số điện thoại liên lạc; cung cấp trung thực các thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả… Đồng thời, yêu cầu các thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội để kinh doanh các loại sản phẩm thực hiện đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; phải đăng ký các hoạt động với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch. Tuy nhiên trên thực tế, việc xác minh tính xác thực của thông tin tài khoản bán hàng trên mạng là rất khó nên khi xảy ra vi phạm thì việc xử lý trách nhiệm đối với người bán cũng rất khó thực hiện. Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội… Đồng thời, có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử trên thị trường hiện tại; tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tích cực phối hợp với các ngành trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra, xử lý giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng vi phạm chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng, ngoài sự nỗ lực của các sở, ngành và lực lượng chức năng có liên quan, người tiêu dùng cần phải lựa chọn mua hàng hóa tại những kênh bán hàng có thương hiệu, có uy tín, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trước khi quyết định mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, nhất là quy định về đổi trả, xử lý khiếu nại; yêu cầu người bán xuất hóa đơn, kiểm tra hàng hóa, các điều kiện ưu đãi đi kèm hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành… trước khi thanh toán để bảo vệ quyền lợi cho bản thân nếu có tranh chấp./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương