Thuốc chữa bệnh là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Sở Y tế đã tăng cường công tác quản lý hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn.
Quầy bán thuốc tại đường Trần Phú, thành phố Nam Định. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 918 cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh; trong đó, có 39 cơ sở bán buôn, 150 nhà thuốc, 710 quầy thuốc và 19 cơ sở bán lẻ thành phẩm thuốc dược liệu. Nhằm tăng cường quản lý hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, ngày 29-12-2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Thực hiện Đề án của UBND tỉnh, Sở Y tế đã chủ động cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới về lĩnh vực quản lý dược trên các trang thông tin điện tử của ngành; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chuyên môn mới và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ y tế của các cơ sở điều trị trong toàn tỉnh về các văn bản quy phạm pháp luật mới và quy chế chuyên môn lĩnh vực dược như: Quy định về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị; người phụ trách chuyên môn của cơ sở bán buôn thuốc và chủ nhà thuốc phải có trình độ đại học dược; chủ quầy thuốc phải có trình độ trung cấp dược trở lên, có hiểu biết về tiêu chuẩn, quy tắc thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; cơ sở buôn bán, nhà thuốc phải có diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, đảm bảo vệ sinh; có đủ tủ quầy để trưng bày và bảo quản thuốc, có thiết bị để theo dõi, duy trì điều kiện bảo quản thuốc theo các yêu cầu của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật và quy chế chuyên môn của các cơ sở đúng quy định; thanh, kiểm tra hành nghề dược và mỹ phẩm; thanh tra quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất tại các cơ sở kinh doanh, các cơ sở điều trị Methadone; khảo sát thực trạng việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; kiểm tra, rà soát các đại lý thuốc, tủ thuốc ở trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sở Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng phần mềm bán lẻ đảm bảo kết nối dữ liệu cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn tỉnh phục vụ công tác quản lý, phát triển hệ thống phân phối, cung ứng thuốc hiện đại, chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa. Đến nay, màng lưới bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được củng cố theo quy định của Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chất lượng các điểm bán thuốc được nâng lên. Các cơ sở cung ứng thuốc từng bước củng cố cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, hoàn thiện hệ thống hồ sơ tài liệu, thực hiện tốt các quy chế chuyên môn theo chuẩn quốc gia. Hệ thống cung ứng thuốc được đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”. Đảm bảo cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng tới người dân, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý an toàn và hiệu quả. Tại các vùng nông thôn đều có các điểm bán lẻ thuốc phục vụ nhu cầu của nhân dân. Các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc đều niêm yết giá bán công khai, rõ ràng và bán đúng giá niêm yết theo quy định.
Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục củng cố màng lưới bán buôn, bán lẻ theo quy định của Luật Dược; duy trì 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”, 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”, đảm bảo giá thuốc hợp lý, bình ổn. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với cơ sở hành nghề bán buôn, bán lẻ thuốc. Tập huấn kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiểu biết của cá nhân, cơ sở về quy chế chuyên môn dược hiện hành. Tiếp tục thực hiện hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” và “Phòng chống kháng thuốc”; thực hiện đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn, đặc biệt là kế hoạch triển khai công nghệ thông tin tại các nhà thuốc trong tỉnh. Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề bán buôn, bán lẻ thuốc theo kế hoạch và đột xuất khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Minh Tân