Rộn ràng sản xuất cây vụ đông sớm

08:11, 06/11/2019

Những ngày này, nông dân khắp các địa phương trong tỉnh đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung huy động phương tiện làm đất và xuống giống các loại cây trồng vụ đông. Vụ đông năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 12.050ha (trong đó có hơn 2.000ha trên đất 2 lúa) với các cây trồng chủ lực như: khoai tây 2.000ha, ngô 1.925ha, bí xanh 590ha, cà chua 480ha, khoai lang 355ha, còn lại là rau màu các loại… Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông và mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản.

Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) làm đất để trồng cây vụ đông.
Nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) làm đất để trồng cây vụ đông.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng màu xã Nam Hùng (Nam Trực), khắp nơi rộn ràng tiếng máy làm đất; bà con nông dân tất bật với công việc chăm sóc xà lách, bắp cải, súp lơ trắng... Bác Phạm Thị Lành ở xóm Nam, thôn Cổ Ra phấn khởi cho biết: Ngay sau khi thu hoạch cây màu hè thu, bác đã tập trung làm đất xuống giống hơn 2 sào súp lơ trắng và su hào. Đây là giống rau ngắn ngày cho giá trị kinh tế khá và phù hợp với đồng đất của địa phương. Nếu thời tiết thuận lợi, thì chỉ mươi ngày nữa là cho thu hoạch, bán được giá như năm ngoái gia đình sẽ thu được từ 3,5-4,2 triệu đồng/sào... Phong trào thi đua sản xuất vụ đông của xã Nam Hùng vẫn luôn giữ vị trí tốp đầu của huyện. Phát huy truyền thống, vụ đông năm nay, xã trồng hơn 300ha cây vụ đông, trong đó 250ha khoai tây, còn lại là các loại rau màu như: súp lơ trắng, su hào, cải củ, bắp cải, xà lách... Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND xã đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Hùng điều hành thời vụ gieo trồng, chủ động thu hoạch cây màu hè thu, lúa mùa gắn với gieo trồng cây vụ đông theo phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”. Hợp tác xã hướng dẫn bà con áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu khi gieo trồng một số loại cây như: Khoai tây, bí xanh, đậu đỗ, ngô... nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất và gia tăng thu nhập. 

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay huyện Nam Trực trồng 1.300ha cây các loại, trong đó cây khoai tây 750ha, còn lại là rau củ quả. Tại các huyện phía nam tỉnh, phong trào trồng cây vụ đông cũng được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương tích cực triển khai nhằm đạt giá trị thu nhập cao nhất. Đồng chí Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để đôn đốc, triển khai công tác thu hoạch lúa mùa, trồng cây vụ đông. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ động hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện các giải pháp gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Khi xây dựng và triển khai kế hoạch trồng cây vụ đông cần xác định rõ loại cây trồng, thị trường và phương thức tiêu thụ cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Huyện khuyến khích nông dân trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với thế mạnh, truyền thống của từng địa phương như: Cà chua, bí xanh ở các xã Hải Tây, Hải Sơn, Hải Thanh, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Trung; dưa chuột, cải bắp, rau màu các loại ở các xã Hải Anh, Hải Bắc, Hải Phú, Hải Đường... Vận động nông dân gieo trồng cây vụ đông trong vùng sản xuất đã được quy hoạch để thuận tiện các khâu tưới, tiêu nước, bảo vệ cây trồng, đảm bảo năng suất, chất lượng và sản xuất an toàn. Các xã, thị trấn quan tâm thúc đẩy việc liên kết, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có một số tập đoàn, chuỗi siêu thị lớn nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị thu nhập, tạo động lực để nông dân đầu tư phát triển sản xuất cây vụ đông… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Ý Yên đã chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo theo công nghệ Nhật Bản tại cánh đồng màu xã Yên Dương. Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Cẩm cho biết: Được chính quyền các cấp tạo điều kiện, tôi đã được sang tỉnh I-ba-ra-ki (Nhật Bản) để tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trồng rau an toàn, hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Trở về, cùng với sự hỗ trợ của xã, tôi đã đầu tư trên 100 triệu đồng để làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước sạch tự động; đồng thời bón vôi bột, phân chuồng ủ mục cải tạo lại ruộng. Trên diện tích 5,5 sào, chị Hòa trồng su hào, cải bắp, cải bó xôi. Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc các loại rau đều được ghi nhật ký theo dõi hàng ngày. Đến nay sau 35 ngày, su hào đã bắt đầu cho thu hoạch. Do được trồng, chăm sóc trong điều kiện lý tưởng nên các loại rau không phát sinh sâu bệnh, hình thức bắt mắt với màu sắc rau tươi xanh, bóng mịn; năng suất cao hơn 1,5-2 lần so với cách trồng thông thường; thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/củ. Ngay sau khi thu hoạch lứa đầu, chị Hòa sẽ tiếp tục làm đất để xuống giống lứa 2. Dự kiến vụ đông năm nay chị Hòa quay vòng 3 lứa su hào với mức thu nhập từ 12-13 triệu đồng/sào.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bước vào sản xuất vụ đông năm nay, thời tiết ít mưa, đồng ruộng khô ráo rất thuận lợi cho việc đưa máy móc vào làm đất, gieo trồng cây vụ đông. Từ cuối tháng 9, nông dân các địa phương đã bắt đầu tiến hành thu hoạch cây màu hè thu, lúa mùa trà sớm để gieo trồng cây vụ đông. Đến ngày 30-10, toàn tỉnh đã trồng được 9.630ha cây vụ đông các loại, đạt 80% kế hoạch; trong đó huyện Hải Hậu trồng được 2.420ha, Giao Thủy trồng 1.800ha, Ý Yên 1.400ha, Nghĩa Hưng 1.150ha… Hiện các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung chăm sóc các giống cây trồng vụ đông sớm, đồng thời vận động nông dân tiếp tục khẩn trương làm đất gieo trồng các giống cây ưa rét còn trong khung thời vụ, góp phần hoàn thành mục tiêu gieo trồng cây vụ đông năm 2019 theo kế hoạch đề ra./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com