Phát triển kinh tế bằng nghề chế biến bột sắn, tinh bột nghệ

08:11, 01/11/2019

Khởi nghiệp với nghề thu mua và chế biến bột sắn, tinh bột nghệ, bà Vũ Thị Yên, xóm Tây Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 4-5 nữ lao động nông thôn theo mùa vụ.

Bà Vũ Thị Yên, xóm Tây Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) giới thiệu sản phẩm bột sắn, tinh bột nghệ do gia đình chế biến.
Bà Vũ Thị Yên, xóm Tây Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực) giới thiệu sản phẩm bột sắn, tinh bột nghệ do gia đình chế biến.

Hơn 10 năm trước, được một người cô hướng dẫn cho công thức, cách làm, bà chuyển từ nghề buôn lạc sang chế biến các sản phẩm tinh chế từ củ nghệ, củ sắn dây. Ban đầu, các công đoạn đều làm bằng tay rất vất vả, nhất là khâu vắt bột. Sau mỗi mẻ bột, chân tay quần áo nhuộm vàng bởi nghệ, chưa kể tinh dầu nghệ bám chặt vào vải lọc, phải giặt rất mất công. Ba năm trở lại đây, bà đi học hỏi thêm kinh nghiệm, đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa, máy xay củ, máy vắt bột, máy đánh bột, tủ sấy bột, giúp cho việc sản xuất thuận lợi và đạt năng suất cao hơn. Để tạo ra tinh bột nghệ chất lượng, bà thường chọn nguyên liệu là nghệ đỏ (nghệ nếp) có hàm lượng “Nano curcumin” cao, mua từ huyện Hải Hậu và tỉnh Hưng Yên. Sắn cũng chọn loại củ dài nhiều bột mua từ Hải Dương. Nghề chế biến bột sắn, tinh bột nghệ thường bắt đầu từ trước tết âm lịch nhưng bận rộn nhất là từ sau rằm tháng giêng. Đó là thời điểm nguồn nguyên liệu đạt độ già vừa phải, cho lượng tinh bột nhiều hơn hẳn. Để làm ra sản phẩm bột sắn, tinh bột nghệ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu sau khi rửa sạch cho vào máy xay thật nhuyễn, chuyển qua các máy vắt, máy đánh bột rồi lọc nhiều lần bằng nước để gạn lắng tinh bột. Tiếp đó, những tảng tinh bột ướt được đặt vào các sảo tre, dùng quạt công nghiệp thổi khô trước khi đưa vào tủ sấy. Thời điểm sau tết trời thường ẩm ướt, ít nắng nên việc sấy trong tủ vừa đảm bảo chất lượng bột, vừa hạn chế được tạp chất, bụi bẩn bay vào như khi phơi ngoài trời. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ cao, bà Yên đã mở rộng sản xuất, trung bình mỗi năm sử dụng 6-7 tấn nguyên liệu. Với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, chăm sóc da, chống oxy hoá, sản phẩm tinh bột nghệ ngày càng được nhiều người tìm mua. Đối với tinh bột nghệ, để lấy được tinh chất giá trị nhất của củ nghệ, bà Yên phải lọc nhiều lần để loại bỏ hết xơ và tinh dầu có chứa chất gây nóng gan của nghệ, đồng thời vẫn giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên và hàm lượng “curcumin” cao. Để bột lên màu đẹp bà thường phải trộn nguyên liệu xay theo tỷ lệ nửa nghệ nếp, nửa nghệ tẻ. Trong quy trình sản xuất, chế biến, bà luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên vệ sinh máy móc, dụng cụ chế biến. Bà Yên cho biết, làm bột sắn, tinh bột nghệ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, đồng thời có những kinh nghiệm riêng mới cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng với thành phần dinh dưỡng cao nhất.

Chẳng hạn như với bột sắn cần phơi dưới nắng to, tránh những ngày gió mạnh, nếu không bề mặt bột sẽ bị vàng. Còn với tinh bột nghệ lại cần phơi nơi râm mát, thoáng gió, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp làm giảm hàm lượng tinh chất curcumin tốt cho sức khỏe. Trung bình mỗi năm, bà sản xuất được 4-5 tạ tinh bột nghệ, 1-2 tấn bột sắn. Sản phẩm do được làm cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng công đoạn nên đạt độ giòn khô, chất bột mịn, có mùi thơm mát, không lẫn tạp chất, khi thử tan mượt trong miệng, được nhiều người mua làm quà biếu và khách buôn mua bán lẻ. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg bột sắn, 250 nghìn đồng/kg tinh bột nghệ, trừ chi phí, bà Yên thu về vài trăm triệu đồng/năm. Để các sản phẩm nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên và có lợi cho sức khỏe đến được với nhiều người tiêu dùng, bà Yên đã thực hiện quay lại các công đoạn chế biến và giới thiệu quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, nhận chuyển hàng theo yêu cầu.

Cần mẫn, chịu khó, bằng nghề làm bột sắn, tinh bột nghệ, bà Vũ Thị Yên không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu nhập ổn định lúc nông nhàn mà còn góp phần tiêu thụ nguồn nông sản cho người nông dân. Bà đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh biểu dương tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” năm 2019./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com