Bước vào giai đoạn nước rút cuối năm, với quyết tâm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế, trong quý IV, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Nam Định. |
10 tháng đầu năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Nam Định (AgriBank Bắc Nam Định) là một trong những đơn vị có dư nợ cho vay cao nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30-9-2019, tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của Chi nhánh đạt 9.955 tỷ đồng, tăng 1.130 tỷ đồng, tương đương 12,8% so với đầu năm. Số tiền gửi dân cư đạt 9.732 tỷ đồng, tăng 14,2% (1.212 tỷ đồng) so với đầu năm, chiếm 98% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 7.098 tỷ đồng, với 22.761 khách hàng, tăng 292 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó dư nợ doanh nghiệp 1.453 tỷ đồng; dư nợ hộ sản xuất 5.537 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ… Hiện, AgriBank Bắc Nam Định đang có 157.785 khách hàng sử dụng thẻ ATM, tổng thu từ hoạt động dịch vụ là 22,5 tỷ đồng, đạt 69,1% kế hoạch năm 2019. Với mục tiêu năm 2019, tổng nguồn vốn đạt 10.296 tỷ đồng, dư nợ đạt 7.410 tỷ đồng, AgriBank Bắc Nam Định tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, theo dõi sát diễn biến lãi suất huy động để có chính sách lãi suất hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tập trung phát triển khách hàng mới, giữ vững thị phần huy động vốn từ dân cư, đẩy mạnh tiếp cận, triển khai thỏa thuận hợp tác với các tổ chức kinh tế, trường học, các sở, ban, ngành trên địa bàn mở tài khoản tiền gửi thanh toán, trả lương… Chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tăng tỷ trọng cho vay trung hạn đi đôi với kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến ngày 30-9-2019, tổng nguồn vốn Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam Chi nhánh thành phố Nam Định đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng (tỷ lệ 10,5%) so đầu năm; hoàn thành 99% kế hoạch huy động vốn năm 2019. Tổng dư nợ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 896 tỷ đồng (tỷ lệ 18%) so đầu năm, hoàn thành 100% kế hoạch dư nợ bình quân năm 2019. Từ nay đến cuối năm, VietinBank thành phố tập trung thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo hiệu quả và kiểm soát chất lượng nợ. Tăng cường công tác thẩm định, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động, theo dõi, phân tích dòng tiền của khách hàng, mục đích sử dụng vốn để sớm nắm bắt được tình hình khách hàng. Đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng bán lẻ; tập trung vào các thị trường tiềm năng, lựa chọn khách hàng tốt đáp ứng đầy đủ các điều kiện tín dụng. Tư vấn và thúc đẩy bán các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Phấn đấu hoàn thành 100% các chỉ tiêu bán chéo theo kế hoạch giao.
Các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn tỉnh cũng tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định, lãi suất huy động ở một số ngân hàng tăng nhẹ, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn nhằm đảm bảo sự cân đối kỳ hạn và giới hạn an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Xét về cơ cấu, tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Không chỉ tập trung cho mục tiêu duy trì tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng; thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật.
Bước vào thời điểm nước rút để hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh, các ngân hàng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hạn mức để điều chỉnh kế hoạch dư nợ hợp lý. Chủ động phân tích tình hình thực tế để áp dụng các biện pháp điều hành linh hoạt, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. Tập trung tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý khoản vay, tiếp tục áp dụng linh hoạt lãi suất cho vay nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Đức Toàn