Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 17-7-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, tình hình vi phạm và xử lý vi phạm về đất đai ở các địa phương trong tỉnh đã chuyển biến tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức sơ kết đánh giá, rút ra các bài học kinh nghiệm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Kết luận số 43-KL/TU ngày 22-8-2018 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 17. Sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận 43, công tác quản lý và xử lý vi phạm về đất đai tiếp tục có những chuyển biến đáng ghi nhận.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát phương án xử lý vi phạm đất đai. |
Huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tổ chức đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở. Huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đảm bảo xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy hoạch và phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn. Từ khi triển khai thực hiện Kết luận số 43 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3 công trình, dự án được giao đất xây dựng, với tổng diện tích 20,63ha và có 30 hộ gia đình, cá nhân được UBND huyện ra quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích là 4.645m2; đã tổ chức đấu giá đất cho nhân dân làm nhà ở, với 422 lô trúng giá, diện tích gần 51.505m2, số tiền trúng đấu giá gần 265 tỷ đồng. Công tác giải quyết những vi phạm và khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Trên địa bàn huyện có 27 trường hợp vi phạm về đất đai bị phát hiện và đã giải quyết được 26 trường hợp, đảm bảo đúng pháp luật. Tại huyện Ý Yên, với sự “vào cuộc” thực hiện Kết luận 43 của cả hệ thống chính trị, việc lập kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cải cách thủ tục hành chính… được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Toàn huyện có 17 dự án thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, 16 dự án giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 4,68ha; tổ chức đấu giá thành công 427 lô đất ở các xã diện tích trên 55.145m2, số tiền trên 205 tỷ đồng; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3.185 hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa. Sau khi ban hành Kết luận 43; đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm đất đai tại các xã Yên Lộc, Yên Thắng, Yên Lợi, trong đó 7 trường hợp lấn chiếm đất, 2 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép; cưỡng chế giải tỏa xong 8 hộ, ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp; đã cảnh cáo 1 cá nhân, khiển trách 1 tập thể, 4 cá nhân tại xã Yên Trị và chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm đất đai tại các xã Yên Xá, Yên Lộc; giải quyết 59 vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, trong đó đã có quyết định giải quyết 4 vụ, có văn bản kết luận giải quyết 41 vụ, đang thẩm tra, xác minh 12 vụ, đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 2 vụ. Theo đồng chí Phan Văn Phong, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quán triệt, thực hiện Kết luận 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm túc góp phần nâng cao nhận thức về sự cần thiết tăng cường công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật. Tư tưởng ngại khó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã được khắc phục. Người đứng đầu cấp ủy của nhiều địa phương, đơn vị đã bám sát tinh thần Nghị quyết 17, Kết luận 43, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý đối với đất đai; khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kiên quyết, nhanh, dứt điểm nhiều vụ việc vi phạm mới phát sinh. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại vi phạm cũ từ trước khi ban hành Nghị quyết 17 chưa được xử lý do vướng mắc hồ sơ cũ dẫn đến tiến độ thực hiện phần việc này rất chậm. Theo kế hoạch toàn tỉnh có 69 xã thuộc các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc phải triển khai đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính; tuy nhiên đến nay mới có 10 xã đang triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa chính gồm: 4/9 xã của huyện Giao Thủy, 4/6 xã của huyện Xuân Trường, 2/21 xã của huyện Nghĩa Hưng; còn 59 xã chưa triển khai gồm: Huyện Ý Yên 19 xã, huyện Vụ Bản 13 xã, huyện Mỹ Lộc 1 xã, huyện Giao Thủy 5 xã, huyện Xuân Trường 2 xã, huyện Nghĩa Hưng 19 xã. Bên cạnh đó, công tác phối hợp lập phương án xử lý giữa các ngành Thuế, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tại một số huyện, đặc biệt là thành phố Nam Định còn chậm. Ngoài ra, nhiều trường hợp vi phạm đã được lập phương án xử lý nhưng khó thực hiện phương án do số tiền nhiều hộ phải nộp rất lớn chưa có khả năng chi trả. Một nguyên nhân chậm nữa là quy trình xử lý phức tạp trong khi thời gian qua các địa phương trong tỉnh dồn sức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều công việc liên quan đến đất đai.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 17, Kết luận 43 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương để tập trung đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính, khẩn trương hoàn tất phương án xử lý các trường hợp vi phạm đất đai xảy ra trước khi ban hành Nghị quyết 17. Đôn đốc các hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính khi có phương án xử lý đã được phê duyệt, thông báo thuế để hoàn tất công tác xử lý vi phạm theo quy định. Phát huy hơn nữa vai trò của các cấp, các ngành tập trung xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm mới phát sinh. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy