Mô hình "Tổ hợp tác khai thác hải sản xa bờ"

09:11, 22/11/2019

Chúng tôi gặp Nguyễn Minh Hiển, chiến sĩ Tiểu đội dân quân tự vệ biển thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Hải Hòa (Hải Hậu) khi con tàu đánh cá vỏ sắt của gia đình anh vừa cập cảng từ chuyến đi biển dài ngày. Không chỉ bám biển khai thác thủy hải sản, từ khi được biên chế vào hoạt động trong Tiểu đội dân quân tự vệ biển, anh tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tuyên dương trong đợt thi đua “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” năm 2019.

Anh Nguyễn Minh Hiển (ngoài cùng bên phải), chiến sĩ Tiểu đội dân quân tự vệ biển xã Hải Hòa (Hải Hậu) giới thiệu về chiếc tàu vỏ thép của gia đình được đóng theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ.
Anh Nguyễn Minh Hiển (ngoài cùng bên phải), chiến sĩ Tiểu đội dân quân tự vệ biển xã Hải Hòa (Hải Hậu) giới thiệu về chiếc tàu vỏ thép của gia đình được đóng theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ.

Sinh ra tại vùng quê biển xã Hải Hòa, anh Hiển theo nghề truyền thống của gia đình tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Quá trình đánh bắt hải sản, nhiều lần thấy tàu đánh cá của nước bạn xâm lấn vào vùng đánh bắt thuộc hải phận nước ta, anh nhận thức sâu sắc rằng “vươn khơi bám biển, làm giàu cũng là để bảo vệ biển, đảo quê hương”, vì vậy, năm 2013, anh tham gia lực lượng dân quân tự vệ của xã, được biên chế vào Tiểu đội tự vệ biển, một trong những lực lượng nòng cốt của thế trận an ninh nhân dân trên biển. Đồng chí Trần Đức Thành, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã cho biết: “Khi tham gia Tiểu đội dân quân tự vệ biển của xã, anh Hiển luôn đề cao ý thức trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn khơi bám biển làm giàu chính đáng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ dân quân biển”. Năm 2014, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản, chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu để khai thác thủy, hải sản..., anh Hiển đến một số địa phương như: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa để tìm hiểu. Bên cạnh đó, anh bàn bạc và thuyết phục gia đình đầu tư đóng mới 2 tàu vỏ sắt đánh bắt hải sản xa bờ có công suất 1.300CV, trọng tải 250 tấn, trị giá bình quân 17,5 tỷ đồng/tàu. Anh vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh tỉnh Nam Định 18 tỷ đồng, thời hạn vay 16 năm; trong đó được Nhà nước hỗ trợ 1 năm không lãi suất, từ năm thứ hai trở đi anh chỉ phải trả lãi suất 0,1% trong tổng số 0,7%/tháng; số lãi trả theo tháng, hàng quý trả một phần gốc theo hình thức trả góp. Để tàu ra khơi, anh đã đầu tư hàng tỷ đồng trang bị lưới nổi gắn phao định vị. Theo anh Hiển, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 10-12 ngày với chi phí khoảng trên dưới 60 triệu đồng. Mỗi năm khoảng 10 đến 12 chuyến, trừ chi phí, thu nhập hàng năm từ vài trăm đến trên 1 tỷ đồng.

Bám biển, tham gia giữ gìn an ninh trên biển, anh Hiển gặp gỡ, nắm tâm tư nguyện vọng và quy tụ lực lượng dân quân, thanh niên của các gia đình trong xã có truyền thống đi biển thành lập “Tổ hợp khai thác thuỷ sản xa bờ” gồm 52 thành viên là dân quân và lao động chính của 71 hộ ngư dân. Những ngày đầu thành lập, Tổ hợp tác cũng khó khăn, nhiều chuyến đi biển không mang lại hiệu quả, có chuyến thua lỗ hàng trăm triệu đồng, anh em trong Tổ vẫn động viên nhau kiên trì tìm hiểu rõ nguyên nhân, quyết không từ bỏ ý định bám biển. Trong 3 năm trở lại đây Tổ đội của anh đã khai thác được 613 tấn hải sản các loại trị giá hàng tỷ đồng, mang lại thu nhập từ 10 đến 18 triệu đồng/người/tháng. Thành quả đó đã bù đắp lại nỗi khó khăn, vất vả của thời gian ban đầu nên thành viên trong “Tổ hợp tác khai thác thủy sản xa bờ” phấn khởi, quyết tâm tiếp tục đoàn kết, đồng lòng vững tâm bám biển làm giàu, bảo vệ quê hương.

Trong quá trình hoạt động khai thác thủy hải sản và thực hiện nhiệm vụ, Tổ hợp tác thường xuyên nhận được sự quan tâm động viên khích lệ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Ban Chỉ huy Quân sự các cấp thường xuyên tổ chức huấn luyện nâng cao nhận thức pháp luật, trình độ kỹ, chiến thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như nâng cao kỹ năng phối hợp, xử lý các tình huống xảy ra trên biển của dân quân tự vệ biển. Anh vận động các thành viên trong tổ hợp tác ký cam kết với Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẵn sàng huy động phương tiện tàu thuyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh việc bám biển làm giàu, “Tổ hợp tác khai thác thuỷ sản xa bờ” do anh Hiển làm Tổ trưởng đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh, lực lượng an ninh cơ sở và Đoàn Thanh niên xã tổ chức 91 lượt tuần tra bảo vệ tuyến đê biển, thu gom 6 tấn rác thải bờ biển, góp phần giữ vững an ninh, làm sạch môi trường biển, bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác đánh bắt và chế biến hải sản. Tổ hợp tác còn phối hợp tổ chức 50 lượt tuyên truyền cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ dân quân, nhất là các hộ ngư dân thường xuyên bám biển về Luật Biển Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và lợi ích từ việc đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com