Mô hình Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi

08:11, 21/11/2019

Qua 4 năm hoạt động đến nay Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) đã được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến nhờ có sản phẩm thịt lợn sạch sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Chăn nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín và có truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi.
Chăn nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín và có truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi.

Chúng tôi đến trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Việt Hùng ở thôn Nam Sơn (người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi) khi vợ chồng anh đang chăm 2 con lợn đẻ. Nằm dưới chân núi Phương Nhi, tách biệt hẳn khu dân cư, trang trại nuôi lợn của anh Hùng được thiết kế, tổ chức sản xuất, quản lý bài bản. Toàn bộ đường ra vào trang trại đều được rắc vôi bột thường xuyên để tiêu độc, khử trùng; đặc biệt trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi. Cả 7 dãy chuồng được xây dựng để đảm bảo nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín, lắp đặt hệ thống làm mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, hệ thống cung cấp nước sạch cho lợn uống tự động. Nhờ đó, trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng nhưng đến nay trang trại của anh Hùng vẫn an toàn. Hiện, trang trại duy trì nuôi 150 con lợn thịt, hàng chục con lợn nái để tạo nguồn giống tại chỗ cho gia đình và các hộ thành viên nuôi lợn thịt. Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng cho biết: Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, an toàn trên thị trường ngày càng cao; yêu cầu hợp tác để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y trong sản xuất chăn nuôi hiện đại nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho thành viên, tháng 10-2015, anh Hùng và 7 thành viên khác đã thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi. Các thành viên hợp tác xã đã dành nhiều thời gian để đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi các mô hình chăn nuôi theo quy trình sản xuất sạch ở trong và ngoài tỉnh. Áp dụng vào sản xuất của hợp tác xã, các thành viên đều đảm bảo các công đoạn từ phối trộn thức ăn đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến chăm sóc lợn con, lợn thịt và xử lý môi trường chuồng nuôi khép kín, các nguồn chất thải, nước thải, phế phụ phẩm chăn nuôi không được xả trực tiếp ra môi trường mà được thu gom, xử lý qua hầm biogas trước khi sử dụng tưới cho cây ăn quả, rau. Toàn bộ thức ăn cho lợn đều được các thành viên hợp tác xã nhập từ các cơ sở cung cấp thức ăn có uy tín, bảo đảm an toàn. Nước cho lợn uống cũng được lấy từ nguồn do nhà máy cấp nước sạch tập trung của xã cung cấp... Lúc cao điểm, đàn lợn thịt của hợp tác xã đạt 1.000-1.200 con/lứa. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã đã giảm mật độ để ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sản phẩm lợn sạch được giết mổ, sơ chế ngay tại cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của hợp tác xã, một phần cung cấp cho người tiêu dùng ở địa phương, một phần được đóng túi hút chân không phân phối tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh tại thành phố Nam Định. Anh Hùng cho biết, sản xuất theo quy trình sạch, khép kín thời gian nuôi lợn kéo dài hơn; thức ăn cho lợn do hợp tác xã sử dụng các loại nguyên liệu ngô, cám gạo, đỗ tương, men vi sinh... để chế biến và ủ lên men thay thế chất đạm khác và đảm bảo quy trình sạch nên chi phí tăng, nhưng bù lại, giá bán thịt cũng cao hơn so với thịt lợn nuôi theo cách nuôi thông thường. Sản phẩm thịt lợn thương phẩm của hợp tác xã hiện đang không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. 

Mô hình nuôi lợn sạch, khép kín của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi đang cho hiệu quả bước đầu và là hướng đi đúng trong phát triển chăn nuôi lợn hiện nay. Đối với các hộ thành viên đã có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, hợp tác xã khuyến cáo chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm hoặc trâu, bò để tạo sinh kế trước mắt giảm thiểu rủi ro, không cố tái đàn để tránh nguy cơ tái phát dịch, giữ uy tín thương hiệu. Theo anh Hùng, việc tái đàn sẽ được tiến hành thử nghiệm từng bước với số lượng mỗi trang trại thành viên chỉ nuôi từ 20-30 con lợn, theo dõi và làm đầy đủ các xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tăng dần đàn lợn nuôi một cách hợp lý trên nguyên tắc an toàn trên hết. 

Phát triển nuôi lợn theo hướng quy mô, đảm bảo an toàn, có trách nhiệm và truy xuất nguồn gốc là chủ trương được tỉnh và các địa phương quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện. Vì thế mô hình sản xuất của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi cần được khuyến khích nhân rộng, tạo cơ sở để xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh lớn mạnh và bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



đồ ăn mèo Hạt Reflex cho mèo

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com