Mặc dù gặp khó khăn về thời tiết, khí hậu, sâu bệnh nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, khoa học của các cấp, ngành chức năng; sự chủ động bảo đảm lịch thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống của các địa phương và nông dân, sản xuất vụ lúa mùa năm 2019 đã đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần giữ vững mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Nông dân xã Bình Minh (Nam Trực) thu hoạch lúa mùa năm 2019. |
Bước vào sản xuất vụ mùa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đợt nắng nóng kéo dài đúng vào giai đoạn mới gieo cấy đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của một số diện tích lúa. Cơn bão số 2 xảy ra đúng vào thời điểm đang gieo cấy tập trung nên các địa phương phải tiêu rút nước đệm phòng ngập úng; sau bão không có mưa lại trùng với giai đoạn nghén nước nên việc lấy nước trở lại đồng ruộng gặp khó khăn khiến nhiều diện tích lúa mùa mới gieo cấy bị hạn. Nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản đòi hỏi cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng xu hướng sử dụng sản phẩm sạch, hữu cơ trong khi các đối tượng sâu bệnh tích lũy mật độ cao từ vụ xuân chuyển nhanh sang gây hại cây trồng vụ mùa; đặc biệt là bệnh lùn sọc đen và bạc lá lúa, xuất hiện sâu keo mùa thu là dịch hại mới xâm nhập có nguy cơ phát sinh và gây hại mạnh... đòi hỏi việc sử dụng thuốc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh phức tạp. Mặt khác, giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp không ổn định, có thời điểm tăng cao ảnh hưởng tới khả năng đầu tư chăm sóc lúa của nông dân và hiệu quả sản xuất… Trước những khó khăn trên, để đảm bảo giành vụ lúa mùa thắng lợi, các địa phương bám sát kế hoạch sản xuất theo chỉ đạo của tỉnh, theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu chủ động các biện pháp kỹ thuật hợp lý trong điều hành, tổ chức sản xuất. Tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa được đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Sau khi gieo cấy đã thường xuyên giữ mực nước trong ruộng ổn định đến khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng hạn, úng; khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý không để những diện tích lúa gieo sạ bị ngập úng. Các huyện, thành phố chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thủy lợi của địa phương tổ chức tốt việc dự trữ nước trong hệ thống kênh mương; bơm nước tạo đủ nguồn cho các hộ nông dân đấu tát cho những chân ruộng cao, vùng cuối kênh; tuyên truyền và chỉ đạo sử dụng nước tiết kiệm, củng cố tu bổ bờ vùng, bờ thửa, không để rò rỉ lãng phí nước. Tổ chức chăm bón lúa kịp thời, đúng quy trình hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, thực hiện bón phân sớm, bón tập trung. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên phân công cán bộ kiểm tra đồng ruộng; tổ chức tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh trên các trà lúa và có công văn hướng dẫn cụ thể việc phun thuốc phòng trừ kịp thời, chú trọng phòng trừ các đối tượng: chuột, bệnh đạo ôn, khô vằn và sâu cuốn lá nhỏ… Nhờ đó, trên 90% diện tích lúa vụ mùa 2019 sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ mùa năm 2019 toàn tỉnh gieo trồng 73.467ha lúa, giảm 1.686ha so với vụ mùa 2018 do chuyển sang gieo trồng các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản, nhưng năng suất ước đạt 52 tạ/ha, cao hơn vụ mùa trước 2 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 382 nghìn tấn.
Điểm nổi bật trong vụ mùa vừa qua là các địa phương, người dân đã phát huy tốt những thành tựu qua 10 năm xây dựng nông thôn mới và 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất lúa hàng hóa; hệ thống các công trình thủy lợi và hạ tầng đồng ruộng đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất và áp dụng cơ giới hóa; đã hình thành nhiều vùng tích tụ ruộng đất gieo cấy lúa tập trung, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người nông dân theo hướng bền vững. Tiêu biểu như mô hình liên kết chuỗi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân với các hợp tác xã và nông dân các địa phương. Lợi nhuận của hộ dân tham gia chuỗi liên kết đạt 25-27 triệu đồng/ha, tăng từ 8-10% so với sản xuất lúa đại trà. Chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo (Vụ Bản) phấn khởi cho biết: Được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân hỗ trợ, gia đình chị đã tích tụ được hơn 17ha ruộng để cấy đồng giống lúa Bắc thơm chất lượng cao. Năng suất vụ mùa vừa qua đạt 52,2 tạ/ha; toàn bộ thóc thương phẩm được Công ty thu mua tại ruộng nên chị không phải lo bảo quản, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã liên kết với doanh nghiệp tỉnh Fucui (Nhật Bản) triển khai mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica với quy mô 100ha. Quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ nên chất lượng gạo bảo đảm và được tiêu thụ tốt, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, cơ giới hóa và mô hình tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn giúp người nông dân có thêm nhiều lựa chọn để áp dụng vào quá trình sản xuất, tạo nên các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hiệu quả. Một số doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần gia tăng giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, kích thích phát triển sản xuất.
Những kết quả đạt được trong vụ lúa mùa vừa qua; đặc biệt là những kinh nghiệm xử lý kỹ thuật để khắc phục khó khăn trong quá trình sản xuất tạo động lực cho các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tiếp tục đổi mới sản xuất lúa gạo hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích; triển khai sản xuất tốt vụ đông xuân 2019-2020; giữ vững mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp theo kế hoạch đề ra./.
Bài và ảnh: Văn Đại