Khai thác hợp pháp, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững

07:11, 04/11/2019

Sau gần 2 năm Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, dự kiến tháng 11 này, Đoàn thanh tra Tổng vụ Các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khắc phục khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Từ đó, sẽ quyết định việc gỡ hay không gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Là 1 trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản.

Trao tặng cờ Tổ quốc động viên ngư dân vươn khơi bám biển.
Trao tặng cờ Tổ quốc động viên ngư dân vươn khơi bám biển.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngày 23-10-2017, “thẻ vàng” của EC bắt đầu có hiệu lực đối với những mặt hàng đánh bắt trên biển của thủy sản Việt Nam. Việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam là do qua kiểm tra, đánh giá từ phía Liên minh châu Âu (EU), nhiều mặt hàng không xác minh được nguồn gốc; việc khai thác thủy sản bừa bãi, không báo cáo, không tuân thủ các quy định về đánh bắt trên biển… Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, trong hơn 2 năm qua UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp chống IUU. Cùng với việc ban hành các văn bản tạo khung pháp lý triển khai chống khai thác IUU, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan truyền thông, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến IUU; vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy hải sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, các quy định về IUU; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải, số thuyền viên các tàu trước khi khai thác trên biển, kẻ biển số và sơn đánh dấu tàu cá theo quy định. Năm 2018 đã đăng kiểm cho 790 tàu cá, kẻ vạch phân vùng cho 820 lượt tàu cá và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho 811 lượt tàu. Đến ngày 25-10-2019, Chi cục Thủy sản đã đăng kiểm cho 472/969 tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm. Căn cứ Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS ngày 2-5-2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 587 giấy phép khai thác thủy sản và theo cơ cấu nghề cho các tàu cá của tỉnh. Đồng thời ban hành Quyết định số 2095/QĐ-UBND ngày 30-9-2019 về công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển; trong đó vùng ven bờ 1.167 giấy phép, vùng lộng 383 giấy phép. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên cập nhật cơ sở̃ liệu về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép khai thác trên hệ thống VN fishbase. Theo lộ trình, trong năm 2019 toàn tỉnh có 39 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, đến nay đã có 36 tàu được lắp đặt, 3 tàu còn lại sẽ được hoàn thành trong đầu tháng 11-2019. Để xử lý tàu cá của tỉnh ra ngoài vùng biển Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân quyền truy cập hệ thống thông tin giám sát tàu cá được Trung ương phân quyền và chia sẻ thông tin với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, căn cứ tín hiệu của thiết bị giám sát của các tàu cá gửi về làm căn cứ̉ lý theo quy định.

Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát theo hướng dẫn của EC, từ năm 2018 đến nay, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) đã kiểm tra 976 lượt tàu rời cảng, 1.207 lượt tàu cập cảng; phối hợp với các lực lượng chức năng không cho các tàu cá xuất bến đi biển sản xuất khi không đủ các giấy tờ, thủ tục đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, không đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn, nhất là không ghi, không nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; tổ chức theo dõi, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân vi phạm trong quá trình khai thác tại các vùng biển nước ngoài hay các hoạt động chuộc tàu cá và ngư dân về nước trái phép… Để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Ninh Cơ; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguyên liệu thủy sản; tổ chức hướng dẫn các chủ tàu, thuyền trưởng ghi, thu sổ nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định; đồng thời Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ thường xuyên kiểm soát, giám sát sản lượng thủy hải sản của các tàu cá có hoạt động bốc dỡ tại cảng và cập nhật lên hệ thống VN fishbase. Từ đầu năm 2019 đến nay đã kiểm tra 681 lượt tàu cá cập Cảng cá Ninh Cơ và giám sát sản lượng được 591.338 tấn.

Tại buổi kiểm tra ở Cảng cá Ninh Cơ ngày 29-10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đã quán triệt, khẳng định yêu cầu đặt ra đối với nghề cá của tỉnh là không bị EC rút “thẻ đỏ”, tháo gỡ “thẻ vàng”. Muốn vậy, chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá khai thác hải sản nhiều “không”, chủ động hướng dẫn ngư dân, nhất là đội ngũ thuyền trưởng, chủ tàu về cách ghi nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản và giám sát sản lượng hải sản khai thác được tại các cảng cá được phép giám sát… phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Khai thác thủy sản là nghề chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế biển của tỉnh đảm bảo sinh kế cho rất nhiều lao động của các xã ven biển. Do vậy việc vượt qua kỳ “sát hạch” của EC tới đây có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện các khuyến nghị nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam của tỉnh ta là rất đáng ghi nhận. Sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của ngành chức năng, các địa phương đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức và ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác thủy, hải sản trên biển. Những yêu cầu, điều kiện để gỡ bỏ “thẻ vàng”, loại bỏ nguy cơ bị rút “thẻ đỏ” đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian tới của EC luôn rất cao, do vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các sở, ngành, các địa phương, đơn vị, đặc biệt là sự chấp hành của ngư dân trong việc đáp ứng những yêu cầu của EC đề ra vì sự phát triển của ngành thủy sản, bảo vệ chính sinh kế của người dân, vì một nghề cá bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com