Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đổi mới bộ giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của các loại nông, thủy sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi héc-ta đất canh tác không ngừng tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Trồng su hào trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản tại xã Yên Dương. |
Để tạo cơ sở cho việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đồng bộ, toàn diện, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung hoàn thiện, công khai các quy hoạch: phát triển sản xuất nông nghiệp, sử dụng đất và xây dựng nông thôn mới. Căn cứ vào các quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng quy hoạch của huyện. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tập trung dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn để sản xuất nông sản hàng hóa. Nhờ đó, huyện đã hình thành được vùng trồng lúa chất lượng cao có diện tích 9.266ha, vùng lúa đặc sản khoảng 903ha tại các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng; vùng sản xuất rau màu quy mô 1.152ha tại các xã Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân...; vùng sản xuất lúa kết hợp nuôi cá ở Yên Khánh Yên Phong, Yên Hưng, Yên Hồng. Cùng với việc thực hiện sản xuất theo quy hoạch, huyện Ý Yên còn quan tâm khuyến khích doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất để hình thành các mô hình sản xuất mới có giá trị thu nhập cao. Đến nay, toàn huyện đã có 32 tổ chức, cá nhân tích tụ được trên 396ha để sản xuất lúa chất lượng cao, rau sạch và xây dựng trang trại tổng hợp. Trên địa bàn huyện đã quy hoạch và xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối dẫn dắt tổ chức sản xuất. Tiêu biểu như: chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gạo Bắc thơm số 7 với quy mô 300ha/vụ tại các xã Yên Ninh, Yên Lộc, Yên Thắng, Yên Ninh, Yên Cường do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (xã Yên Lương) và các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện. Quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến quá trình gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với sản xuất lúa đại trà. Sản phẩm được Công ty thu mua, chế biến và tiêu thụ. Chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn VietGAP theo công nghệ Nhật Bản tại Hợp tác xã Nam Cường, xã Yên Cường quy mô 7ha, sản lượng 115 tấn/năm, giá trị tăng gấp 2 lần so với sản xuất đại trà. Mô hình có sự kết hợp giữa Hợp tác xã Nam Cường với Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản Green trong tiêu thụ rau cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa 100% khâu làm đất; khâu thu hoạch đạt 95%; công tác bảo quản và phân loại nông sản được chú trọng, toàn huyện có 12 kho lạnh bảo quản khoai tây giống phục vụ sản xuất vụ đông và 3 máy sấy lúa; phối hợp khảo nghiệm và lựa chọn bổ sung vào cơ cấu nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao tăng từ 51% diện tích năm 2015 lên 70,3% diện tích năm 2019; các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa được thay thế một phần bằng các giống kháng sâu bệnh, do đó năng suất, chất lượng và giá trị được nâng cao, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp được đổi mới tích cực, đến nay các hợp tác xã đều hoạt động hiệu quả, sản xuất, kinh doanh, phát triển các dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với trồng trọt, các địa phương cũng chú trọng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang công nghiệp, bán công nghiệp tập trung quy mô vừa; áp dụng công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi chuồng kín, chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Trên địa bàn huyện đã phát triển nhiều trang trại chăn nuôi công nghiệp như trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi, quy mô trên 500 con lợn liên kết với các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thành phố Nam Định, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng; trang trại nuôi gà của ông Nguyễn Văn Thanh, xã Yên Tân, quy mô nuôi 3.000 con gà ri Hòa Bình an toàn sinh học, sản phẩm tiêu thụ tại thị trường thành phố Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, doanh thu đạt 400 triệu đồng/tháng... Nhờ tập trung phát triển các mô hình kinh tế trang trại, tích cực áp dụng các quy trình công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi chuồng kín, chăn nuôi sinh học đã góp phần giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong kinh tế thủy sản, toàn huyện đã hình thành 11 vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô từ 10ha trở lên ở các xã: Yên Trung, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hồng, Yên Chính, Yên Nhân. Đối tượng con nuôi ngày càng đa dạng, hình thành các hợp tác xã nuôi thủy sản và mô hình nuôi cá lồng bè ở xã Yên Phúc. Nhờ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nên năm 2018, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 97,13 triệu đồng, tăng 5,8% so với năm 2015; giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 1.425,6 tỷ đồng theo giá hiện hành, tăng 5,4% so với năm 2015; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 239 tỷ 155 triệu đồng, tăng 1,3% so với năm 2015.
Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực là thế mạnh của từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, áp dụng cơ giới hóa, sản xuất an toàn, các biện pháp thâm canh bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung theo quy hoạch với mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại xa khu dân cư; rà soát từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu của thị trường; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi. Tập trung phát triển các con nuôi thủy sản truyền thống và một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao; chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa và phòng, chống thiên tai./.
Bài và ảnh: Văn Đại