Giá thịt lợn tăng cao và nỗi lo của người tiêu dùng

09:11, 22/11/2019

Những ngày qua, giá thịt lợn trên thị trường tăng cao bất thường. Tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 tháng. Hiện các loại thịt ba chỉ, nạc vai, sấn mông có giá từ 130 đến 140 nghìn đồng/kg, tăng 60 đến 70 nghìn đồng/kg khiến cho người tiêu dùng lo lắng. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ đầu năm đến nay dẫn đến nguồn cung bị giảm sút. Cụ thể thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ đầu tháng 2-2019 đến ngày 15-11-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337 nghìn tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Tuy nhiên theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, nguồn cung không thiếu đến mức giá lợn xuất chuồng “lập kỷ lục” liên tục mà nguyên nhân giá thịt lợn bị đẩy lên một phần do thông tin chưa đầy đủ. Phần lớn thông tin giá cao được lấy ở một số địa phương trong khi cơ sở thu mua giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn thịt của doanh nghiệp chăn nuôi lớn nên giá nào cũng chấp nhận. Bên cạnh đó trên thực tế có tình trạng thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để “găm” hàng và cùng nhau đẩy giá. Giá thịt lợn tăng cao kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt gà, thịt bò, cá… cũng tăng theo khiến cho nhiều gia đình phải cân đối lại chi tiêu trong gia đình.  

Hiện cả nước vẫn còn trên 40% số xã có dịch chưa qua 30 ngày và được khuyến cáo nên thận trọng khi tái đàn, vì vậy dự báo nguồn cung thịt lợn sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thịt lợn khan hiếm và bị đẩy giá lên quá cao, chiều ngày 18-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp khẩn với các cơ quan chức năng và một số doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ. Trong đó Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thì sẽ xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng. Trước mắt đề nghị bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thuỷ sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn. Đối với các hộ gia đình, cũng phải phát triển đàn trong đó Cục Chăn nuôi cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng. Về thương mại, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh. Trong trường hợp cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá. Bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường trong kiểm soát chất lượng, giá cả, tránh tình trạng “găm hàng đẩy giá”, “tát nước theo mưa”, lợi dụng sự khan hiếm của thịt lợn - một mặt hàng thực phẩm thiết yếu mà tăng giá các mặt hàng khác gây lũng loạn thị trường và ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com