"Công cụ" hữu hiệu giảm nghèo bền vững ở Mỹ Lộc

07:11, 07/11/2019

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc luôn nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp quản lý, cho vay và huy động, đảm bảo chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã được tiếp sức để mạnh dạn thay đổi tư duy, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện ước giảm chỉ còn 1,52%, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Trần Văn Quyên ở xóm 9, xã Mỹ Hà đầu tư nuôi cá trắm đen đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Trần Văn Quyên ở xóm 9, xã Mỹ Hà đầu tư nuôi cá trắm đen đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc đang triển khai thực hiện 8 chương trình tín dụng chính bao gồm: cho vay ưu đãi hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội. Thời gian qua, ngân hàng đã tích cực thực hiện việc đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vay, phương án đầu tư vốn. Cùng với đó, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn; chủ động phối hợp với các tổ chức hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay, bảo đảm đúng mục đích vay vốn, đôn đốc thu hồi tiền gốc, tiền lãi theo đúng thời gian quy định. Ngoài kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, ngân hàng cũng tích cực kiểm tra đột xuất hoạt động tại các điểm giao dịch xã và các tổ chức nhận ủy thác cho vay. Bình quân mỗi tháng, ngân hàng triển khai kiểm tra 1 xã, 50% số tổ tiết kiệm và vay vốn/xã và đối chiếu sổ ít nhất 3 tổ, mỗi tổ đối chiếu ít nhất 10 hộ vay. Nhờ vậy, đã kiểm soát tốt việc cho vay, thu nợ, xử lý nợ theo đúng quy định, chỉnh sửa kịp thời các sai sót của đội ngũ cán bộ tín dụng, giao dịch. Các tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, bố trí phù hợp với điều kiện thực tế mỗi thôn, xóm, đội sản xuất đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, cho vay sai mục đích làm phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu, nợ khoanh. Các hoạt động giao dịch tại các xã, thị trấn thực hiện đều đặn theo lịch cố định mỗi xã một buổi sáng từ ngày 6 đến ngày 16 mỗi tháng. Để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, ngân hàng thường xuyên phân công cán bộ tín dụng tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức; phối hợp với Hội sở chính tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn cho 100% cán bộ các hội, đoàn thể nhận ủy thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện; chỉ đạo các tổ thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng đã được phê duyệt, tập trung giải ngân cho vay các chương trình tín dụng được bổ sung nguồn; tăng cường phổ biến, tập huấn hướng dẫn các mô hình kinh tế hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên chất lượng tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc luôn bảo đảm, không có nợ quá hạn. Từ đầu năm 2019 đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt hơn 97 tỷ đồng. Trong đó, có một số chương trình có số dư nợ lớn như: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 56 tỷ đồng, chiếm 57% tổng dư nợ; cho vay giải quyết việc làm hơn 13 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo hơn 10 tỷ đồng... Hiện có 4.655 hộ gia đình còn dư nợ trên địa bàn huyện; trong 9 tháng đầu năm 2019, ngân hàng đã giải ngân cho 1.312 lượt vay vốn. Nhiều xã, thị trấn đã có dư nợ cao, tăng trưởng ổn định như Mỹ Tân dư nợ hơn 12,4 tỷ đồng; Mỹ Tiến dư nợ hơn 12,5 tỷ đồng; Mỹ Hà dư nợ hơn 11,2 tỷ đồng. Các hội, đoàn thể nhận uỷ thác đã tiếp tục phát huy hiệu quả là cánh tay nối dài chuyển tải nguồn vốn tín dụng đến tận tay các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Dư nợ kênh Hội Phụ nữ đạt 53 tỷ 256 triệu đồng, dư nợ kênh Hội Nông dân đạt 33 tỷ 894 triệu đồng, dư nợ kênh Hội Cựu chiến binh đạt 9 tỷ 602 triệu đồng. Đồng chí Trần Đức Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hà cho biết: “Nguồn vốn chính sách là công cụ hữu hiệu hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững của xã. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ chỉ còn 1,76%. Nhiều hộ nghèo trong xã được vay vốn đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế ao, vườn đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo vững chắc. Dư nợ tín dụng toàn xã đạt hơn 11,2 tỷ đồng với 563 hộ chính sách được vay vốn”. Để minh chứng, ông đưa chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Êm ở xóm 9, thuộc diện hộ cận nghèo. Chị Êm chia sẻ: “Đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn xã, cả 6 ô chuồng lợn của gia đình tôi đều trống vì lợn chết sạch. Vốn liếng tập trung hết vào đàn lợn nên lúc đó, gia đình tôi cạn kiệt về vốn, không thể có nguồn lực mà chuyển sinh kế khác”. Đúng lúc đó, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho gia đình chị được vay 100 triệu đồng để chuyển đổi mô hình sản xuất mới. Chị Êm đã đầu tư đào ao nuôi cá nước ngọt truyền thống với diện tích 0,3ha. Trên bờ ao, bờ thửa, chị trồng thêm 250 cây ăn trái đặc sản như bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít Thái cùng với rau màu các loại để đảm bảo “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, kinh tế của gia đình chị dần phục hồi ổn định với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ cận nghèo ở xã Mỹ Hà cũng thoát nghèo thành công nhờ vốn tín dụng chính sách như hộ bà Trần Thị Trúc ở xóm 8 với trang trại nuôi cá, ông Trần Văn Tuyến ở xóm 9 nuôi cá nước ngọt…

Với quyết tâm và sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Lộc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn, đảm bảo các chương trình tín dụng chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các đối tượng khó khăn trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com