Toàn tỉnh hiện có trên 670 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó trên 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với hơn 5.450 buồng, phòng, có 23 doanh nghiệp dịch vụ lữ hành nội địa, 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 3 văn phòng đại diện hãng du lịch.
Thi bơi chải đứng trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Ảnh: Viết Dư |
Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành đều tuân thủ các quy định của Luật Du lịch; thực hiện đúng ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, bảo đảm các quy định về điều kiện hoạt động. Các doanh nghiệp đã xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức các chương trình cho khách du lịch nội địa; chấp hành, phổ biến và hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, các quy định của Nhà nước về an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc, quy chế nơi đến du lịch; sử dụng hướng dẫn viên tại điểm để thuyết minh, giới thiệu cho khách du lịch; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý về du lịch. Do đó, hoạt động trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được uy tín với khách hàng. Tiêu biểu như Khách sạn Nam Cường (Thành phố Nam Định) có nhiều cách làm sáng tạo trong phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách. Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn còn tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực mang đậm dấu ấn địa phương như: Dạ tiệc Tinh hoa nghệ thuật văn hóa và truyền thống Nam Định với các tiết mục múa trống hội, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn; lễ hội ẩm thực, giới thiệu món ăn truyền thống. Khi đến với khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, du khách còn được trải nghiệm nhiều không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp và độc đáo như thư giãn tại Tức Mặc Tea Coffee, thưởng thức tinh hoa ẩm thực quốc tế tại Nhà hàng Tám Xoan, giải trí tại Bar Đông Dương, tập luyện thể thao tại câu lạc bộ sức khoẻ với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến nhất, bể bơi Olympia, vườn địa đàng Eva. Một số doanh nghiệp lữ hành lớn, lâu năm của tỉnh như Công ty Cổ phần Du lịch Nam Định, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Công đoàn Nam Định, Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Thiên Ân… chủ động liên kết các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư du lịch trong nước khảo sát, tìm hiểu các cơ hội, thực hiện các dự án phát triển du lịch; đặc biệt quan tâm đến các hình thức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển của tỉnh. Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch Thiên Ân là doanh nghiệp có uy tín trong hoạt động dịch vụ lữ hành, mỗi năm tiếp nhận, tổ chức 200 đoàn du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Công ty tích cực liên kết với các nhà hàng, khách sạn chất lượng đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng các điểm du lịch trong tỉnh. Một số doanh nghiệp cũng đã bước đầu đưa khách, chủ yếu là các đoàn học sinh, sinh viên đến các khu, điểm di tích văn hóa, lịch sử trong tỉnh. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo khách bằng giá rẻ và không đảm bảo chất lượng dịch vụ; một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không chấp hành quy định của pháp luật như: Không lập hồ sơ đoàn khách, không mua bảo hiểm du lịch cho khách khi được yêu cầu; không thực hiện báo cáo hoạt động định kỳ với các cơ quan chức năng. Để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động đúng định hướng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, vi phạm; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về kinh doanh lữ hành, thực hiện đúng ngành nghề kinh doanh đã đăng ký; không được phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế nếu không có chức năng hoặc không đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế; nghiêm cấm các hành vi lừa đảo, chụp giật, lôi kéo khách bằng mọi giá; đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng đúng hợp đồng đã ký.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp lữ hành về việc tuân thủ quy định pháp luật trong lĩnh vực lữ hành; phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp lữ hành các quy định mới, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về du lịch. Phát động chiến dịch chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành đảm bảo “chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng”; tạo bước đột phá trong lĩnh vực lữ hành; tổ chức cho doanh nghiệp lữ hành cam kết kinh doanh đúng pháp luật, tạo môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành chủ động khảo sát, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, dịch vụ lữ hành chất lượng cao, đảm bảo an ninh, an toàn để cung cấp cho khách du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức nhằm nâng cao nghiệp vụ cho nguồn nhân lực quản lý lữ hành, điều hành tour của các đơn vị đào tạo du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm những diễn biến hoặc xu hướng mới của đối tượng “lách luật” để có các biện pháp quản lý, chấn chỉnh./.
Hoàng Anh