Tỉnh ta là vùng trọng điểm nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Hồng với bờ biển dài 72km, diện tích tự nhiên hơn 165 nghìn ha, trong đó có 78 nghìn ha đất lúa, 15 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Sau nhiều năm nỗ lực đổi mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất trên 930 nghìn tấn lúa, 450 nghìn tấn rau, củ các loại; 140 nghìn tấn lợn hơi, 4.000 tấn thịt trâu, bò; 16 nghìn tấn thịt gia cầm, trên 110 nghìn tấn thủy, hải sản. Nhiều sản phẩm nổi tiếng về chất lượng như gạo, lạc, khoai tây, ngao, cá bống bớp… được người tiêu dùng ưa chuộng. Để gia tăng giá trị thu nhập nông sản, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Sản phẩm ngao sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) xuất khẩu sang thị trường EU. |
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, cơ cấu lại thị trường và mặt hàng xuất khẩu; gia tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế biến sâu, xuất khẩu trực tiếp; đưa mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến, nhất là thịt lợn và ngao, thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu đa dạng, không để lệ thuộc quá lớn vào một thị trường. Theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ các mặt hàng xuất khẩu, những biến động của thị trường thế giới để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là về vốn… góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Các doanh nghiệp, người sản xuất đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng, kỹ thuật và đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Đáng chú ý là trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh thời gian qua đã có thêm một số sản phẩm nông sản chế biến được thị trường tiếp nhận, gia tăng hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, người sản xuất như: ngao của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước EU, muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối Nam Định đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; sản phẩm khoai lang, khoai tây, ngô sấy và khoai sọ sơ chế của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương (thành phố Nam Định) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc… Tuy nhiên, so với tiềm năng của tỉnh thì khối lượng xuất chưa nhiều và thiếu tính bền vững do đa phần nông sản vẫn được xuất khẩu theo phương thức ủy thác. Trong đó sản lượng ngao toàn tỉnh mỗi năm sản xuất được trên 35 nghìn tấn, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. 2 năm trở lại đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam (Cụm công nghiệp An Xá) đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sơ chế ngao nguyên vỏ và ngao chế biến, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước EU. Tuy nhiên số lượng ngao xuất khẩu còn rất hạn chế. Hiện tại Công ty đang tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn để được chứng nhận đạt ASC để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hay như sản phẩm cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm, trở thành món ăn đặc sản. Toàn huyện có khoảng 300 hộ dân tham gia nuôi cá bống bớp, với diện tích 700-800ha, tổng sản lượng cá ước đạt 2.000-2.500 tấn/năm. Sản phẩm đã được Hiệp hội cá bống bớp huyện Nghĩa Hưng đăng ký chỉ tiêu chất lượng và xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên hiện nay cá bống bớp Nghĩa Hưng mới chỉ phân phối được tại thị trường nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hay như sản phẩm gạo sạch Toản Xuân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu và có giá thành cạnh tranh. Dù sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang hơn chục quốc gia trên thế giới với giá cao gấp nhiều lần tiêu thụ nội địa nhưng nhiều năm qua Công ty vẫn phải xuất khẩu ủy thác nên lợi nhuận không cao.
Gia tăng xuất khẩu nông sản là một mục tiêu trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tăng cường kêu gọi các tập đoàn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn đầu tư vào nông nghiệp tỉnh nhà. Mở rộng diện tích sản xuất nông sản áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phù hợp với quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới. Khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn đảm bảo cung cấp sản lượng lớn cho công nghiệp chế biến; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, chú trọng đầu tư cho thiết kế kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã, bao bì sản phẩm tăng sức hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường công tác thu thập, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin trong và ngoài nước liên quan đến thương mại nông nghiệp để tư vấn giúp người sản xuất, doanh nghiệp địa phương lựa chọn chính xác những sản phẩm tiêu biểu của vùng, miền để đầu tư quảng bá sản phẩm, thúc đẩy nông sản gia nhập thị trường xuất khẩu./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương