Tăng cường quản lý việc sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí

07:10, 15/10/2019

Toàn tỉnh hiện có 5 hệ thống thủy lợi được quản lý, điều hành bởi 7 Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi trực thuộc tỉnh là Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Thủy, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành. Thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14-11-2008 của Chính phủ, tỉnh ta đã sử dụng ngân sách Nhà nước cấp bù thủy lợi phí giúp nông dân giảm chi phí, phát triển sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày một hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí của các công ty khai thác công trình thủy lợi vẫn còn một số vấn đề bất cập. 

Xây dựng cống Ngô Đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp của hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Xây dựng cống Ngô Đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp của hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kinh phí cấp bù thủy lợi phí giai đoạn 2015-2018 là 295,594 tỷ đồng/năm, cơ bản đảm bảo cho các công ty đầu tư nạo vét, tu bổ, sửa chữa kênh mương, công trình thủy lợi, từng bước nâng cao năng lực tưới tiêu của hệ thống công trình. Hàng năm, UBND các huyện, thành phố phối hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi địa phương rà soát diện tích, biện pháp tưới tiêu; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nguồn cấp bù thủy lợi phí. Theo đó, 100% diện tích cấp bù thủy lợi phí được tính là tưới tiêu chủ động hoàn toàn nhưng thực tế có những diện tích phải bơm cục bộ cả tưới và tiêu; ở một số địa phương hợp tác xã nông nghiệp vẫn phải tự đầu tư kinh phí bơm nước vào kênh nội đồng. Số liệu diện tích đất sản xuất nông nghiệp được xác định để miễn thủy lợi phí chưa tổng hợp theo bản đồ giải thửa và có sự chênh lệch với số liệu tổng hợp diện tích sản xuất nông nghiệp từng vụ, cả năm của từng huyện do Cục Thống kê tỉnh cung cấp. Việc mỗi công ty khoán cho các hợp tác xã nông nghiệp khơi thông dòng chảy, quản lý cống trên kênh cấp II, đầu kênh cấp III và hỗ trợ bơm cục bộ theo mức khoán khác nhau là chưa hợp lý. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 227/TB-UBND ngày 23-10-2012, các công ty khai thác công trình thủy lợi phải dành ít nhất 50% nguồn cấp bù thủy lợi phí cho công tác đầu tư xây dựng, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương. Tuy nhiên, nguồn cấp bù thủy lợi phí của các công ty sử dụng để đầu tư kiên cố hóa kênh mương còn rất hạn chế, nhất là khu vực phía nam sông Đào, chủ yếu chi cho việc duy tu, sửa chữa công trình, nạo vét kênh mương. Tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2015-2018 còn thấp; trong đó, kênh cấp II mới kiên cố hóa được 15,18%, cấp III mới kiên cố hóa được 5,93%. Việc tổng hợp diện tích và dự toán, giao kế hoạch và cấp phát nguồn cấp bù miễn thu thủy lợi phí còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định. Chưa thực hiện việc thẩm định dự toán nguồn cấp bù thủy lợi phí cho từng công ty trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được các ngành, các địa phương xác định là do: một số địa phương chưa kịp thời và sâu sát trong hướng dẫn, kiểm tra việc bàn giao hệ thống công trình thủy lợi giữa công ty với các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức dùng nước theo quyết định của UBND tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể việc xác định đối tượng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không được cấp bù thủy lợi phí. Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới chỉ tổng hợp diện tích, dự toán, quyết toán nguồn cấp bù thủy lợi phí trên cơ sở hồ sơ của các công ty lập, có xác nhận của UBND các huyện, thành phố trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến năm 2018, mức cấp bù thủy lợi phí hầu như không thay đổi trong khi đó chi phí vật tư và nhân công đều tăng, khiến các công ty khó đảm bảo tỷ lệ chi cho đầu tư xây dựng, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Để giải quyết các bất cập kể trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã phối hợp chặt chẽ với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi xác định đối tượng và chỉ đạo lập bảng thống kê đối tượng, ký xác nhận diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được hỗ trợ nguồn cấp bù thủy lợi phí theo quy định. UBND cấp xã lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp cho từng vụ, cả năm, xác định diện tích canh tác từng mùa vụ cho các xã, phường, thị trấn theo bản đồ địa chính (đối với các xã chưa có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ giải thửa). Các phòng, ban chức năng kiểm tra, rà soát đối tượng, đối chiếu diện tích, biện pháp tưới tiêu trước khi ký xác nhận dự toán, quyết toán cho các công ty đảm bảo đúng quy trình, đúng thực tế; hỗ trợ các công ty trong việc thu tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đối với đối tượng và diện tích không được hỗ trợ. Sở Tài chính chủ trì hướng dẫn lập dự toán, thẩm định, quyết toán mức hỗ trợ nguồn cấp bù thủy lợi phí kịp thời theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí trong ký kết và thanh lý hợp đồng tưới tiêu với các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức dùng nước đảm bảo đúng quy định pháp luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát diện tích tưới tiêu theo biến động về diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đảm bảo đúng thực tế để làm căn cứ thẩm định dự toán, quyết toán nguồn cấp bù thủy lợi phí cho các công ty. Về lâu dài, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ và huy động nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com