Hiện tại, toàn tỉnh có 199 điểm ATM, 403 máy POS tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. 6 tháng đầu năm 2019, đã có 82.625 lượt giao dịch qua máy POS với tổng giá trị giao dịch luỹ kế từ đầu năm hơn 408 tỷ đồng. Tổng số thẻ phát hành qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 925.397 thẻ. Sử dụng thẻ tín dụng để giao dịch là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ khuyến khích. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển nhanh chóng các loại hình dịch vụ thanh toán qua thẻ, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng cần được siết chặt để đảm bảo an toàn, tính thanh khoản, hạn chế rủi ro nợ xấu phát sinh như giao dịch khống qua thẻ tín dụng trên máy POS.
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank) chi nhánh thành phố Nam Định. |
Theo đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tại tỉnh ta, hình thức giao dịch khống rút tiền mặt đã xuất hiện rải rác, rất khó phát hiện bởi đây là loại hình giao dịch “lách luật” của chủ thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ, “phối hợp” thực hiện các giao dịch ảo để rút tiền. Theo đó, khách hàng không mua hàng nhưng thống nhất với chủ cửa hàng tạo giao dịch khống để quẹt thẻ trên máy POS, sau đó đưa tiền mặt cho chủ thẻ, phí giao dịch chỉ từ 1,23-1,5% số tiền rút. So với mức phí rút tiền thông thường là 4% tại ATM, chủ thẻ “tiết kiệm” hơn nhiều. Chưa kể, chủ thẻ còn được hưởng các ưu đãi như lãi suất 0% trong vòng 45 ngày khi thanh toán mua hàng, được rút 100% hạn mức thẻ tín dụng nên nhiều người đã lách luật rút tiền mặt theo hình thức này. Dịch vụ này đã khai thác triệt để ưu đãi, khuyến mãi của ngân hàng về giao dịch thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, hình thức “lách luật” này tiềm ẩn nhiều rủi ro mất khả năng thanh toán thẻ tín dụng, làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng bởi với việc rút tiền qua POS sẽ dẫn đến tình trạng chủ thẻ rút tiền quá nhiều, có khả năng sử dụng các khoản tiền vào các giao dịch bất hợp pháp. Thậm chí, chủ thẻ ghi nợ có thể lâm vào cảnh nợ nần, mất độ tín nhiệm với ngân hàng nếu không kiểm soát tài chính tốt. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển thẻ tín dụng ngày càng cao, một người có thể cùng lúc sở hữu nhiều thẻ tín dụng của nhiều tổ chức phát hành thẻ khác nhau, một số ngân hàng để tăng thẻ phát hành đã đưa ra các điều kiện mở thẻ tín dụng dễ dàng. Điều này dẫn đến tình trạng một cá nhân có thể có hạn mức tín dụng cao gấp nhiều lần so với thu nhập, khi việc rút tiền mặt dễ dàng và phí thấp tại nhiều điểm POS thì nguy cơ chủ thẻ vỡ nợ có thể sẽ xảy ra. Ngoài ra, thông qua dịch vụ rút tiền qua máy POS, thẻ tín dụng của khách có nguy cơ bị sao chép thông tin cá nhân, lộ mật khẩu, làm giả thẻ nhằm rút tiền mặt, gây thiệt hại cho chủ thẻ và ngân hàng. Việc ngăn chặn các giao dịch khống mua hàng sử dụng thẻ tín dụng qua máy POS tại các cửa hàng thường rất khó bởi các chứng từ giao dịch, hoá đơn đều đã được thống nhất giữa chủ thẻ và cửa hàng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Văn bản số 6410/NHNN-TT ngày 16-8-2019 chỉ đạo tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc tăng cường kiểm tra tại các đơn vị chấp nhận thẻ có dấu hiệu thanh toán khống thẻ tín dụng, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và cung cấp thông tin về tổ chức thanh toán thẻ để có biện pháp xử lý. Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đơn vị chấp nhận thẻ thông đồng với chủ thẻ thực hiện giao dịch thanh toán khống, các giao dịch không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với mục đích rút tiền mặt. Rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy định nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo thẻ tín dụng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; rút tiền mặt tại POS được lắp đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ. Các tổ chức tín dụng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn như từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán, không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng vào các mục đích không đúng quy định, như: sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ ba, rút tiền mặt tại POS của đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật... Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức thanh toán thẻ phải có trách nhiệm xây dựng tiêu chí lựa chọn đơn vị cung ứng thẻ, thực hiện đánh giá, phân loại các đối tượng có nhu cầu chấp nhận thanh toán thẻ phù hợp với đặc điểm, ngành nghề kinh doanh cũng như tăng cường trao đổi việc chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tín dụng phòng ngừa rủi ro. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết sẽ triển khai lập kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất các điểm lắp đặt máy POS trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy định nội bộ, thủ tục, hồ sơ đăng ký phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng tài khoản thanh toán; yêu cầu các tổ chức tín dụng áp dụng ngay các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn vi phạm như từ chối giao dịch, từ chối thanh toán thẻ, chấm dứt hợp đồng thanh toán đối với các chủ thẻ vi phạm./.
Bài và ảnh: Đức Toàn