Sử dụng năng lượng tái tạo hạn chế ô nhiễm môi trường

04:10, 25/10/2019

Năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh là nguồn năng lượng vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều… Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái sinh là tách một phần năng lượng  từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và đưa vào trong các sử dụng kỹ thuật. Các nguồn năng lượng tái tạo tồn tại khắp nơi trên nhiều vùng địa lý, ngược lại với các nguồn năng lượng khác chỉ tồn tại ở một số quốc gia. Việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu và có nhiều lợi ích về kinh tế. Các cuộc khảo sát ý kiến cộng đồng trên toàn cầu đưa ra sự ủng hộ rất mạnh việc phát triển và sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Với đặc thù của Việt Nam hiện nay, 50% điện sử dụng do điện than đảm nhận trong khi nguồn nguyên liệu này có giới hạn. Bên cạnh đó xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là yêu cầu bức thiết và năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của Chính phủ và người dân để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống - xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Trong 8 tháng qua, phần năng lượng tái tạo đã phát lên lưới 2,8 tỷ kWh, đạt hơn 106% dự kiến cả năm 2019. Nhờ yếu tố thuận lợi, điện mặt trời đã hỗ trợ tích cực cho hệ thống. Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than. Ở nhiều địa phương, người dân cũng đã chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình nhằm giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần phải có các giải pháp, tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; Đồng thời nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng. Để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm. Đồng thời sớm hoàn thiện và ban hành các quy định phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án

Đối với các hộ gia đình trước khi đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cần cân nhắc kỹ bởi chi phí sản xuất điện mặt trời không hề rẻ trong khi hệ thống điện mặt trời chỉ sản xuất điện khi có nắng, tầm 7 sáng đến 5 giờ chiều. Nếu một gia đình dù đông người nhưng ban ngày cả nhà đi làm, tối mới về dùng điện thì khó phát huy được hiệu quả. Bởi đối với hệ thống hòa lưới, điện sản xuất ra ban ngày không để dành được đến tối nếu không đầu tư ắc quy trữ điện. Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu người sử dụng cũng phải tính đến tiền duy trì bảo dưỡng, vệ sinh hệ thống hàng năm, hiệu suất của pin mặt trời cũng sẽ bị giảm đi theo thời gian sử dụng. Đối với những hộ dân có mức tiêu thụ điện bình thường, không nên vội vàng đầu tư khi mà chi phí lắp đặt điện mặt trời còn đang ở quá cao./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com