Cuối tháng 3 và tháng 4-2019 tại vùng nuôi ngao tập trung khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng) có hiện tượng ngao chết 30-70% diện tích bãi nuôi (900ha). Ngay sau khi nhận được thông báo, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cử người xuống vùng nuôi để kiểm tra; đồng thời hướng dẫn người nuôi cách phòng ngừa; khuyến cáo các hộ nuôi thường xuyên vệ sinh, thu dọn xác ngao chết không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Kết quả xét nghiệm yếu tố môi trường cho thấy ngao chết hàng loạt là do độ mặn tại vùng nuôi ngao vượt quá ngưỡng cho phép khiến ngao bị sốc, không thích nghi được”. Trước thực trạng môi trường nuôi thủy sản ngày càng ô nhiễm cho thấy công tác quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản là vấn đề quan trọng và cấp thiết để người nuôi chủ động hơn trong sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu nước và mẫu tôm nuôi ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) để kiểm tra chất lượng. |
Đến hết tháng 6, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 85%. Diện tích thả giống vùng nuôi nước ngọt đạt khoảng 98%. Trên các vùng nuôi mặn lợ, ước tính đến hết tháng 6, diện tích thả tôm sú là 2.720ha (đạt 100% kế hoạch), diện tích thả tôm thẻ chân trắng khoảng 850ha (đạt 90% kế hoạch). Tổng sản lượng nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm đạt khoảng 50.195 tấn (bằng 47,9% kế hoạch). Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt ước đạt 24.442 tấn, nuôi mặn lợ ước đạt 25.753 tấn. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển giao từ hè sang thu đông; là tác nhân chính khiến môi trường nuôi thủy sản dễ biến động, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khiến các đối tượng nuôi giảm ăn, giảm sức đề kháng, dịch bệnh phát triển. Vì vậy, Chi cục Thủy sản đang tích cực triển khai kế hoạch quan trắc môi trường nuôi thủy sản để có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản; thường xuyên lấy mẫu nước, mẫu bùn tại các vùng nuôi, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để phát hiện những bất thường, thay đổi về các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, ô-xy hòa tan... để khuyến cáo cho người nuôi. Việc lấy mẫu quan trắc được Chi cục Thủy sản thực hiện định kỳ 2 lần/tháng tại các vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn các xã: Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); Giao Phong, Giao Thiện, Quất Lâm (Giao Thủy); thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)... Các mẫu quan trắc môi trường nuôi thủy sản sẽ được Chi cục gửi lên Viện Nuôi trồng thủy sản I để xét nghiệm; sau đó kết quả sẽ được gửi trả về địa phương. Nếu gặp bất trắc trong quá trình nuôi, các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời tới các hộ nuôi, hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước, xử lý tốt các chất thải gây ô nhiễm môi trường; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư... để chủ động xử lý khi phát sinh dịch bệnh. Đồng thời Chi cục yêu cầu các hộ nuôi áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản thời điểm giao mùa; tăng cường sức đề kháng cho các đối tượng nuôi bằng việc cho ăn bổ sung thêm vitamin C; phòng bệnh định kỳ tháng/lần bằng các loại thuốc theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật; định kỳ hòa nước vôi rải đều ao nuôi. Hiện nay, tại các vùng nuôi thủy sản chưa phát hiện xảy ra điều gì bất thường. Ông Nguyễn Lương Bằng, chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cho biết: “Diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình là 2,5ha; mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn tôm. Để có được kết quả đó, tôi luôn chú trọng thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật từ công tác cải tạo ao đầm đến lịch thời vụ xuống giống, chăm sóc và đặc biệt luôn theo dõi diễn biến môi trường nước từng giai đoạn sinh trưởng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời”.
Từ thực tiễn nuôi thủy sản cho thấy công tác quan trắc môi trường đã góp phần không nhỏ vào việc cảnh báo sớm những diễn biến bất lợi về môi trường nuôi thủy sản, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao… Qua đó, giúp người nuôi tránh được những rủi ro trong quá trình sản xuất như: Xử lý nước, thu hoạch sớm, thả giống đúng thời điểm môi trường thuận lợi, tránh lấy nước vào ao nuôi khi môi trường bất lợi. Để thực hiện hiệu quả công tác quan trắc môi trường thì đội ngũ cán bộ làm công tác quan trắc môi trường đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, do nuôi thủy sản ngày càng phát triển về diện tích và sản lượng nên với số lượng cán bộ làm công tác quan trắc hiện rất khó khăn để có mặt tại hiện trường vì địa bàn hoạt động rộng; kinh phí hạn chế nên việc phối hợp còn chưa hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quan trắc môi trường nuôi thủy sản, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn, quản lý hoạt động quan trắc đối với các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tham gia kiểm tra, đánh giá hoạt động quan trắc và chất lượng môi trường nuôi. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực và cập nhật kiến thức cho các cán bộ quan trắc môi trường nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, các hộ nuôi thủy sản cần tuân thủ đúng các quy trình, kỹ thuật để đảm bảo vụ nuôi thủy sản thắng lợi./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa