Để tạo đà cho phát triển du lịch, những năm qua, cùng với việc đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, tỉnh ta đã không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tăng sự hấp dẫn cho các điểm du lịch trên địa bàn.
Khách sạn Nam Cường đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại Nam Định. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến; chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Gần đây, nhóm sản phẩm du lịch sinh thái ở các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu được đưa vào khai thác hiệu quả thông qua các hoạt động cộng đồng đưa du khách trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hóa của cư dân bản địa. Đặc biệt, một số sản phẩm du lịch mới như: Hợp tác xã du lịch sinh thái Giao Xuân (Giao Thủy), Ecohost Hải Hậu được triển khai đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ của du khách. Hoạt động quản lý, khai thác các tuyến, điểm du lịch luôn được các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hình thành, phát triển các khu, điểm du lịch gắn với lợi ích của người dân. Các khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy) đang tiến hành khảo sát, bổ sung và triển khai các bước đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú đảm bảo phục vụ khách du lịch. Việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch đã góp phần quảng bá và thu hút đầu tư vào các địa phương để phát triển du lịch. Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng yên tâm đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao đưa vào khai thác, thu hút du khách. Tại thành phố Nam Định, khách sạn Nam Cường đạt tiêu chuẩn 4 sao với quy mô 23 tầng gồm 166 phòng nghỉ cao cấp, tiện nghi sang trọng nằm trên trục đường Đông A - Trần Hưng Đạo. Tổ hợp khách sạn có tổng diện tích 126 nghìn m2; trong đó đất dành cho khu biệt thự và khu văn hóa ẩm thực 43.400m2, diện tích khu khách sạn, công trình thương mại, nghỉ dưỡng 28.800m2; còn lại dành cho hệ thống cây xanh, khuôn viên, dịch vụ và giao thông. Toàn bộ khuôn viên cảnh quan của khách sạn đạt chuẩn quốc tế với tổng mức đầu tư khoảng 543 tỷ đồng đã đem lại diện mạo mới cho du lịch Nam Định. Ngoài ra, đầu năm 2019, dự án “Khách sạn Thông minh và Trung tâm thương mại Nam Định” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Tòa nhà tọa lạc số 272 đường Trần Hưng Đạo, phường Bà Triệu, một vị trí đắc địa của thành phố với 4 mặt tiền và hướng chính đối diện Chợ Rồng. Công trình với quy mô 1 tầng hầm, 15 tầng nổi với 80 phòng nghỉ cao cấp, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch của Trung ương, tỉnh đã đầu tư hơn 54 tỷ đồng thực hiện các dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực quần thể Phủ Dầy, chợ Viềng (Vụ Bản) và nâng cấp mở rộng đường khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đầu tư gần 228 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có trên 670 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó trên 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với hơn 5.450 phòng. Ngoài ra, còn có 23 doanh nghiệp dịch vụ lữ hành nội địa, 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 3 văn phòng đại diện hãng du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách và phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội tổ chức trên địa bàn. Là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh ta có các thiết chế văn hóa, công trình dịch vụ mang tầm cỡ quốc gia, một số doanh nghiệp lữ hành bắt đầu chú trọng khai thác loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch thể thao). Cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch từ dịch vụ cơ sở nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí để gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm nhiều điểm đến.
Mặc dù có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nhưng lượng khách đến các điểm tham quan của tỉnh chưa cao, số khách sử dụng dịch vụ lưu trú, mức chi tiêu của khách thấp, đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế địa phương còn thấp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh gắn với lễ hội, du lịch biển chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố mùa vụ, nên lượng khách không ổn định, chủ yếu là khách nội địa, khả năng chi trả thấp. Các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Để hoạt động du lịch có bước phát triển mới, thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện và quản lý quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; phối hợp với các địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dành cho các thị trường du lịch mục tiêu; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển; văn hóa tâm linh; sinh thái; nghỉ dưỡng cao cấp có chiều sâu. Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng cân bằng cung - cầu; đặc biệt quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp phục vụ khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao. Hình thành mối liên kết những sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của du khách./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh