Từ lâu, chuột đồng đã trở thành món ăn đặc sản ở nhiều vùng quê trong tỉnh bởi theo người dân chuột đồng nơi đây chỉ ăn thóc lúa, cây củ nên béo, chắc thịt hơn bất cứ loại thịt gia súc, gia cầm khác. Từ bữa cơm gia đình đến mâm cỗ việc làng, việc họ, món thịt chuột đồng luôn có trong thực đơn với nhiều món như: chiên giòn, nướng muối, giả cầy, hấp lá chanh… Ở thời điểm hiện tại, chuột đồng được cung ứng ra thị trường khắp các tỉnh lân cận với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg. Sức tiêu thụ lớn, giá bán cao, nghề bắt chuột đồng đã góp phần mang lại thu nhập thời vụ kha khá cho nhiều người.
Người dân thôn Vạn Lộc, xã Xuân Phong sơ chế thịt chuột đồng. |
Về xã Xuân Phong (Xuân Trường) những ngày đầu tháng 10, khách lạ sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi quanh gốc gây gạo cổ thụ đầu làng có hẳn một “chợ chuột”. Chợ chỉ bán duy nhất món chuột đồng thui rơm và gia vị cần thiết để chế biến những món ăn. Hơn chục chiếc mẹt bày sát nhau, trong mẹt xếp từng dãy chuột đã làm sạch lông, thui rơm chín, để nguyên con, tròn căng màu nâu sậm, thơm lựng mùi khói rơm mới vô cùng kích thích giác quan của người qua đường. Cứ tầm 3 giờ chiều, chợ họp tấp nập người bán, người mua cho đến sâm sẩm tối. Người bán ở chợ chuột chủ yếu là dân xóm Vạn Lộc có nghề bắt chuột đồng từ xưa với những kỹ nghệ bí truyền. Ông Nguyễn Văn Điều, xóm Vạn Lộc cho biết: Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Từ thuở nhỏ đã được cha anh dạy cho cách bắt chuột đồng, một mặt để bảo vệ mùa màng; thứ hai chuột đồng chỉ ăn cây cỏ, thóc lúa, củ khoai, củ sắn dân trồng nên thịt rất ngọt, thơm có thể làm thức ăn. Một năm 2 vụ, cứ khi bông lúa vào mẩy, người dân trong xóm rủ nhau đi bắt chuột đồng. Đi đến đâu, “thợ chuột” chúng tôi cũng được người dân địa phương chào đón vì giúp họ tiêu diệt loài gặm nhấm phá hoại mùa màng. Cách bắt chuột cũng lắm công phu tùy vào từng địa hình mà sử dụng các hình thức bắt và dụng cụ bắt chuột khác nhau. Ví như gặp hang chuột đào sâu trong bụi tre, gốc dứa dại thì dùng nước, hun khói để đuổi chuột ra; còn chuột làm hang ở bờ ruộng thì chỉ khẽ dùng thuổng đào đất, dồn chuột vào cuối hang rồi bắt hay dùng lưới cước khoanh vùng, đuổi chuột vào bẫy… Tuy nhiên dùng cách nào thì cũng cần người bắt chuột có kinh nghiệm quan sát đám lúa, mặt đất, lối mòn, vết cỏ, thậm chí là “ngửi mùi” thì có thể đoán được chỗ nào chuột nhiều hay ít, to hay nhỏ để chọn cách bắt cho phù hợp nhất. Mỗi buổi bắt chuột, người dân làng nghề cũng mang về hàng chục cân chuột, bán ngay cho tổ thu gom hoặc sơ chế mang ra chợ bán đều có thu nhập khá. Thịt chuột có thể chế biến nhiều món khá hấp dẫn. Xa xưa, các cụ chỉ chế biến các món đơn giản như kho mặn, luộc lá chanh, nướng, nhưng hiện tại thực đơn đã được sáng tạo khá phong phú. Chuột thui chín được mổ bỏ ruột, hạch ở sau tai và hai bên đùi chỉ còn phần thịt nạc và lớp da giòn quyện mùi khói rơm nếp, từ đó có thể xào lăn, chiên giòn, nấu ragu... Khách mua hàng sẽ được người bán sơ chế cẩn thận, bán kèm các gia vị phù hợp; kể cả chế biến sẵn, người mua về chỉ cần làm nóng lại. Do vậy những món ngon từ thịt chuột đồng giờ theo chân những người con Xuân Phong đến nhiều nơi. Nghề bắt chuột đồng cũng nhờ vậy mà ngày càng phát triển. Cả xóm Vạn Lộc có gần 100 hộ theo nghề bắt chuột lúc nông nhàn. Trung bình thu nhập của các hộ dân làm nghề bắt chuột lúc vào mùa khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Mức thu nhập hấp dẫn, nhưng nghề bắt chuột đồng cũng phải đối diện với nhiều nguy hiểm rủi ro như không may bị rắn cắn, chuột cắn và những tai nạn trong lúc rình đuổi chuột. Theo đó, hành trang của mỗi người vào nghề săn chuột đồng bao giờ cũng phải thuộc lòng các kinh nghiệm phán đoán từ các dấu hiệu cụ thể, luôn có gói thuốc lào để nuốt ngay khi bị rắn cắn, thành thạo kỹ thuật garo vết thương để hạn chế việc phát tán nọc độc rồi nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ chuyên môn.
Nghề bắt chuột đồng mang đến nguồn thu nhập phụ mà không nhỏ cho nhiều người dân ở Xuân Phong. Điều đáng quý hơn là bà con luôn bảo nhau giữ uy tín thương hiệu “chuột đồng”, không vì lợi nhuận mà trà trộn các loại chuột để bán cho khách phương xa./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương