Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP

07:10, 18/10/2019

Với đa dạng các làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản, việc thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ có vai trò tích cực trong quảng bá cũng như nâng cao chất lượng, giá trị thương mại các sản phẩm của địa phương. Do vậy tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chuyên môn tập trung triển khai tích cực chương trình giai đoạn 2018-2020 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Sản phẩm OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2019, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020. Đến hết tháng 4-2019, tất cả các huyện, thành phố đều đã ban hành kế hoạch thực hiện, các văn bản chỉ đạo về chương trình OCOP và thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 2 hội nghị tập huấn triển khai thực hiện chương trình OCOP của tỉnh năm 2019 cho lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và thành viên Hội đồng tư vấn, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố; chủ tịch UBND các xã, thị trấn có cơ sở sản xuất các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2019. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã có công văn đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh phối hợp triển khai thực hiện chương trình OCOP. Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2019. Qua đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP đối với sự phát triển của doanh nghiệp và xây dựng định hướng phát triển sản phẩm về: kiểu dáng công nghiệp, mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng website quảng bá sản phẩm… Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, đến nay toàn tỉnh đã có 36 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 19 sản phẩm 3 sao và 17 sản phẩm 4 sao; sản phẩm gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) đạt 93 điểm (tương đương 5 sao) đang được UBND tỉnh trình Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh, số lượng doanh nghiệp và sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2019 còn ít so với khả năng thực tế của các huyện, thành phố. Cụ thể mới có 19 doanh nghiệp, tương đương bình quân 1,9 doanh nghiệp/huyện có sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng đợt I năm 2019; trong đó huyện Hải Hậu có 9 doanh nghiệp; thành phố Nam Định có 5 doanh nghiệp, huyện Giao Thủy có 2 doanh nghiệp, huyện Ý Yên có 2 doanh nghiệp và huyện Trực Ninh có 1 doanh nghiệp; các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Xuân Trường chưa có sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng. Sản phẩm tham gia chương trình OCOP chưa đa dạng về lĩnh vực ngành hàng, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm (34 sản phẩm). Một số đơn vị chưa coi trọng quảng bá sản phẩm, vẫn chủ yếu sử dụng kênh bán hàng truyền thống, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, chưa chú trọng đến xây dựng hệ thống phân phối. 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, thời gian tới Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên về bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm, chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại tại một số tỉnh, thành phố; trước mắt là tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Festival toàn quốc chương trình OCOP. Tập trung đôn đốc 5 huyện: Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và Nam Trực triển khai chương trình OCOP đợt 2 năm 2019. Phấn đấu có thêm 30 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá đợt 2. Lựa chọn những sản phẩm được Hội đồng tư vấn, đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 90 đến 100 điểm để chuyển hồ sơ đề nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) trong tháng 12-2019. Hướng tới tổ chức được diễn đàn kết nối giao thương, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia chương trình. Triển khai giám sát thực hiện tốt các quy định về quản lý hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương tại các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên thị trường. Xây dựng, áp dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ công tác quản lý cũng như cung cầu đối với các sản phẩm OCOP trong thời điểm hiện nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com