Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa vẫn chậm

07:09, 11/09/2019

Công tác dồn điền đổi thửa được tỉnh ta thực hiện từ năm 2011 giúp các địa phương khắc phục tình trạng manh mún, bước đầu tích tụ ruộng đất, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị, xây dựng nông thôn mới. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, tỉnh đã chỉ đạo việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện đã phát sinh vướng mắc khiến nhiều năm liền chưa hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. 

Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.

Sau dồn điền đổi thửa, huyện Ý Yên phải cấp đổi 69.762 giấy chứng nhận nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. So với chỉ tiêu tỉnh giao, năm 2018 huyện chỉ cấp được 8.060/30.000 giấy; 8 tháng đầu năm 2019 huyện mới cấp được 3.185/20.000 giấy được tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện trong năm. Tính lũy kế, đến nay, toàn huyện đã lập được 50.227 hồ sơ và mới chỉ cấp được 27.845 giấy, đạt 40% tổng số giấy phải cấp. Huyện Hải Hậu phải cấp 79.502 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện chỉ cấp được 2.192 giấy, nâng tổng số giấy đã cấp lên 56.978/79.607, bằng 71,5%. Huyện Nam Trực là địa phương có tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo chỉ tiêu tỉnh giao trong năm 2019 chậm nhất tỉnh, trong 8 tháng đầu năm chưa ký được giấy chứng nhận nào. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa ở các địa phương chậm như vậy dẫn tới không hoàn thành chỉ tiêu cấp 74.698 giấy chứng nhận trong năm 2019. Việc chậm tiến độ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, hầu hết bản đồ địa chính của nhiều địa phương đã lập từ năm 1987, đến nay đã quá cũ nát, phải tập trung đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính mới. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu kỹ thuật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất cao, được cấp theo thửa và trên đó phải có sơ đồ hình thể, kích thước, tọa độ các đỉnh thửa đất; phải tiến hành đo đạc thực tế, cập nhật vào hệ thống hồ sơ địa chính. Trong khi đó, chất lượng giao chia khi thực hiện dồn điền đổi thửa của các xã, các thôn đội không đảm bảo, phát sinh tình huống diện tích chia, đổi chưa chuẩn xác tuyệt đối, bị tăng lên so với kết quả đo đạc thực tế lập hồ sơ địa chính mới. Vì vậy, các địa phương phải xử lý đối với diện tích đất dôi dư này theo các phương án dịch lại toàn bộ diện tích thừa ra bổ sung vào quỹ đất công ích, trường hợp phần đất thừa nhưng diện tích quá nhỏ thì phải xử lý theo phương án sai số. Công tác lập lại hồ sơ địa chính được xác định mất nhiều thời gian do quy trình nhiều khâu như công khai hồ sơ đến hộ dân, lấy ý kiến của dân, thu lại hồ sơ... Đặc biệt, trong năm 2019, các địa phương phải tập trung giải phóng mặt bằng nhiều công trình trọng điểm của tỉnh: dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, các dự án nâng cấp tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, các công trình, các dự án khu đô thị mới, khu dân cư tập trung của các huyện. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa coi trọng và xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ quan trọng, có quan hệ chặt chẽ giữa quản lý đất đai với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau dồn điền đổi thửa nhưng nhiều địa phương chưa nghiêm túc thực hiện trích đủ theo quy định.

Để giải quyết bất cập này, hiện nay các huyện đang tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện công tác lập hồ sơ và kiểm điểm tiến độ thực hiện cụ thể theo từng tuần, từng tháng; định kỳ báo cáo UBND huyện và Ban Thường vụ Huyện ủy; thực hiện nghiêm quy định dành 10% kinh phí từ nguồn thu sử dụng đất phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, có biện pháp hỗ trợ kinh phí từ nguồn sử dụng đất ngân sách huyện, ưu tiên các xã khó khăn về kinh phí; Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra chuyên môn cũng như tiến độ lập hồ sơ ở các xã, thị trấn; có biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong chuyên môn, kịp thời tổ chức thẩm định hồ sơ đã lập. UBND huyện đưa nội dung báo cáo tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa là một trong những nội dung trong giao ban hàng tháng; lấy kết quả thực hiện công tác này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như thi đua năm 2019 của các tập thể, cá nhân; thường xuyên báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tiến độ tại hội nghị giao ban tuần của Thường trực Huyện ủy để tập trung lãnh đạo chỉ đạo. Tại Hải Hậu, từ việc xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là do các xã, thị trấn phải tập trung triển khai chỉnh lý hệ thống hồ sơ địa chính; bên cạnh đó, một số xã, thị trấn chưa quan tâm, tích cực triển khai, huyện yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương hoàn thiện công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính sau dồn điền đổi thửa theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa để Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thẩm định, trình UBND huyện ký, cấp đổi theo quy định. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa các địa phương phải thận trọng, đảm bảo chính xác, hạn chế thấp nhất việc sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân. Trên cơ sở thực trạng, kết quả, kinh nghiệm thực hiện những năm qua, Ban chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và tổ công tác giúp việc các huyện, thành phố phải phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo để chủ động chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; hàng tuần kiểm điểm tiến độ thực hiện. Các huyện phải nghiêm túc thực hiện dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau dồn điền đổi thửa. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp việc xây dựng kế hoạch của UBND các huyện thành kế hoạch chung của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các huyện đảm bảo đúng tiến độ đề ra và kịp thời hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ nếu các huyện có nhu cầu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com