Nằm trên trục phát triển tiếp nối với các vùng lân cận qua đường trục chính là Quốc lộ 21, tỉnh lộ 488C và các tuyến đường trục huyện; tiếp giáp với Khu kinh tế Ninh Cơ; người dân có kinh nghiệm giao thương, buôn bán từ xa xưa, thị trấn Cồn là vùng kinh tế trọng điểm của huyện Hải Hậu. Mục tiêu phát triển của thị trấn đặt ra đến năm 2020, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 85-90% tỷ trọng cơ cấu kinh tế địa phương.
Sản xuất mắm tại cơ sở chế biến nước mắm Lâm Bão, thị trấn Cồn (Hải Hậu). |
Tranh thủ chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những năm qua, thị trấn đã tập trung đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp chợ, làm mới và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nội bộ, xây dựng khu xử lý rác thải… đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển kinh tế mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện về thủ tục hành chính trong vay vốn, đăng ký kinh doanh, bố trí mặt bằng và giữ vững an ninh trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, khuyến khích những hộ dân có nghề truyền thống, có vị trí gần mặt đường, gần chợ mở rộng kinh doanh dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn thị trấn có hơn 1.000 hộ tham gia kinh doanh; trong đó có hàng trăm cơ sở kinh doanh hàng công nghệ phẩm, tạp hóa, 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, 20 cơ sở dịch vụ ăn uống, 5 cơ sở kinh doanh vàng bạc, đồ trang sức, ngoại tệ... và nhiều dịch vụ thiết yếu khác phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Riêng tại chợ Cồn thu hút gần 500 hộ kinh doanh, cơ cấu hàng hóa trong chợ rất đa dạng, phong phú từ hàng công nghệ phẩm, nông thủy sản, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thiết bị nội thất, hàng may mặc… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thị trấn và 9 xã phía nam huyện. Cùng với việc khuyến khích thương mại, dịch vụ phát triển, thị trấn còn định hướng cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh cung ứng sản phẩm chủ lực của địa phương ra thị trường. Hiện tại trên địa bàn thị trấn có 2 làng nghề sinh vật cảnh với 12 nghệ nhân làng nghề được các cấp phong tặng, hơn 100 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh cùng nhiều hiệp hội, câu lạc bộ hoa, cây cảnh. Điểm đặc biệt của các làng nghề sinh vật cảnh thị trấn Cồn là hướng đến dòng hoa, cây cảnh quý và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu câu lạc bộ hoa, cây cảnh của khu vực, của huyện, thu hút đông đảo người chơi sinh vật cảnh trong, ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm. Chỉ riêng doanh thu từ hoa cây cảnh trên địa bàn thị trấn đạt gần chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều nhà vườn có diện tích lớn hàng nghìn m2 và có doanh thu lớn vài trăm triệu đồng mỗi năm như hộ gia đình các ông: Đỗ Thanh Trường, tổ dân phố số 4, Nguyễn Văn Chinh, làng nghề cây cảnh Nguyễn Chẩm A; Đỗ Tất Nhiên, làng hoa cây cảnh Đỗ Bá… Trong đó, vườn hoa lan của gia đình ông Đỗ Mạnh Hùng ở làng hoa cây cảnh Đỗ Bá rộng trên 1000 m2, với hàng trăm loại hoa lan quý khác nhau như Đại hoàng cánh Thủy tiên, Thanh ngọc, Hoàng vũ, Thanh vũ… có giá bán từ 3-11 triệu đồng một ngồng hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài hoa, cây cảnh, nhiều nông sản đặc trưng của địa phương được người dân thị trấn đầu tư, nâng cao chất lượng và thương mại hóa quảng bá sản phẩm nổi tiếng trong toàn quốc như hải sản tươi sống; nước mắm, các sản phẩm dạng mắm Lâm Bão, Hải Hà, Thanh Hà; nem Tung, bánh các loại… Trong đó sản phẩm nước mắm Lâm Bão của cơ sở sản xuất Lâm Bão đã được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao với đầy đủ các tiêu chí đảm bảo từ khâu tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức lan tỏa trong cộng đồng; khả năng tiếp thị sản phẩm và các chỉ tiêu về dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm cũng như khả năng mở rộng phân phối trên thị trường quốc tế.
Năng động trong phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, những năm gần đây, tốc tộ tăng trưởng kinh tế của thị trấn luôn đạt trên 5% mỗi năm. Năm 2018, tổng giá trị sản phẩm (giá so sánh 2010) đạt 293 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2017; năm 2019, tổng giá trị sản phẩm ước đạt trên 300 tỷ đồng; tỷ lệ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm trên 80% trong cơ cấu kinh tế của địa phương; thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 49 triệu đồng. Với định hướng đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt thủ tục vay vốn, khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, thị trấn Cồn tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại đáp ứng các tiêu chí của thương mại hiện đại, phấn đấu tổ chức sự kiện thương mại mang tầm khu vực vùng huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến vận động các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn để bảo vệ sản xuất, người tiêu dùng và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương