Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

07:09, 09/09/2019

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có 319 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại; 90 nghìn hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm; ước tính tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 3.000 tấn/ngày; tổng lượng nước thải chăn nuôi phát sinh khoảng 16 nghìn m3/ngày. Để giảm phát sinh ô nhiễm môi trường, các ngành, các địa phương đã kêu gọi nguồn hỗ trợ xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi thông qua các dự án thu gom, tái sử dụng khí sinh học, chất thải rắn, lỏng của các trại chăn nuôi bằng hệ thống hầm bi-ô-ga.

Tại huyện Ý Yên, đến nay đã xây dựng được 2 mô hình xử lý phân hữu cơ theo phương pháp sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như lá, thân cây lạc, rơm rạ ủ với phân gia súc rồi ép khô tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Cường và một trang trại ở xã Yên Hưng; thành phẩm được cung ứng làm phân bón cho cây trồng, hiện đang tiêu thụ rất tốt. Tại Hải Hậu, chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi được đẩy mạnh thu gom, xử lý bằng hệ thống bi-ô-ga kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học. Trong đó, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án nông nghiệp Các bon thấp, đến nay toàn huyện đã lắp đặt, đưa vào sử dụng 1.571 hầm bi-ô-ga giúp hạn chế ảnh hưởng môi trường tới các hộ dân xung quanh. Từ năm 2015 UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn từng bước chuyển chăn nuôi gia trại, trang trại ra vùng chăn nuôi tập trung; không cho phép thành lập mới các trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong khu dân cư.... Tuy vậy, tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống hầm bi-ô-ga trên toàn tỉnh còn ít, chỉ chiếm khoảng 18%, phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng trực tiếp làm phân bón trong nông nghiệp. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải nên đang gây ô nhiễm môi trường, không khí và môi trường nước tại một số khu vực nông thôn. Một số gia đình, cá biệt có cả doanh nghiệp chăn nuôi quy mô hàng nghìn con lợn vẫn xả thẳng chất thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đảm bảo vệ sinh ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt khiến nhiều người dân sống xung quanh bức xúc, phản đối và ngành chức năng phải vào cuộc xử lý vi phạm. Như trường hợp người dân huyện Hải Hậu phản ánh các trang trại chăn nuôi khu vực cống Múc II thuộc địa phận xã Xuân Ninh (Xuân Trường), giáp khu dân cư xóm 1 và xóm 2 xã Hải Trung (Hải Hậu) xả thải gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra và xác định tại khu vực cống Múc trên địa bàn 2 xã Xuân Ninh, Hải Trung có 3 cơ sở chăn nuôi, cụ thể: Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Thanh Phú (cách khu dân cư xóm 1, xóm 2 xã Hải Trung khoảng 200m về phía đông); hộ chăn nuôi của ông Ngô Xuân Tam và hộ chăn nuôi của ông Mai Thanh Bình (cách khu dân cư xóm 1, xóm 2 xã Hải Trung khoảng 700m về phía đông nam) xả thải chưa qua xử lý, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân xóm 1, xóm 2 và xóm 4 xã Hải Trung, gây ô nhiễm môi trường. Trong thông báo kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 3 cơ sở chăn nuôi tại khu vực sông Múc của Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các cơ sở chăn nuôi này phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; yêu cầu UBND huyện Xuân Trường thực hiện nghiêm Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 16-5-2017 của UBND tỉnh về trách nhiệm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lập hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Hải Hậu chủ động phối hợp, làm việc với UBND huyện Xuân Trường để quản lý tốt môi trường tại những nơi giáp ranh. Trường hợp các trang trại chăn nuôi của xã Giao Thịnh (Giao Thủy) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Sò gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, UBND huyện Giao Thủy và xã Giao Thịnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 3 trang trại chăn nuôi ven sông, đôn đốc, hướng dẫn các trang trại khắc phục bất cập trong xử lý môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Đối với trường hợp người dân huyện Vụ Bản kiến nghị xử lý tình trạng nước thải của các trang trại, gia trại và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các vùng lân cận thuộc tỉnh Hà Nam ở hai bên bờ sông Sắt gây ô nhiễm môi trường nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Hà Nam kiểm tra, xử lý, có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra sông Sắt trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xả thải chưa đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra sông Sắt. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên tiến hành kiểm tra, rà soát các nguồn thải từ sông Mỹ Đô (trực tiếp nhận nước thải từ huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và các xã Yên Tân, Yên Lợi (Ý Yên) trước khi chảy vào sông Sắt, đã phát hiện 3 cơ sở chăn nuôi đều chưa có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định và xả nước thải trực tiếp ra sông Mỹ Đô. Phòng Tài nguyên và huyện Ý Yên tham mưu UBND huyện xử lý vi phạm theo quy định. Tiếp nhận kiến nghị của người dân một số thôn của xã Yên Trung (Ý Yên) về biện pháp hỗ trợ xử lý tình trạng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do bãi rác của xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và xác động vật, rác thải trôi về từ đầu nguồn sông Kênh Thủy thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ta đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam chỉ đạo kiểm tra xử lý. Các đơn vị chức năng của hai tỉnh đã tiến hành xử lý các trường hợp chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định.

Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục thắt chặt kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trang trại. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác khuyến nông nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tập trung quản lý chặt chẽ chăn nuôi nông hộ theo hướng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, có sự quản lý giám sát của chính quyền và cộng đồng dân cư; từng bước tiến hành đăng ký đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các địa phương tập trung vận động các hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư chuyển chuồng nuôi ra khu vực đã quy hoạch, bố trí quỹ đất tập trung, ở vị trí xa khu dân cư sinh sống để phát triển trang trại, gia trại, đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải và các loại chất thải khác, góp phần bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn tất di chuyển toàn bộ trang trại, gia trại chăn nuôi trong khu dân cư ra các vùng quy hoạch./.

Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com