Ngày 17-7-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã từng bước tổ chức lại sản xuất, kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực; đặc biệt đã hình thành các liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng và phát triển.
Những kết quả nổi bật
Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các đoàn thể triển khai sâu, rộng, thường xuyên nội dung các đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến nông dân, các chủ trang trại, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức sâu sắc, đầy đủ về sự cần thiết thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương từ đó tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tích cực triển khai thực hiện, chú trọng công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và bà con nông dân; đã chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch tái cơ cấu phù hợp với lợi thế cây trồng, vật nuôi tại địa phương, bố trí ngân sách đầu tư triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngành Nông nghiệp thường xuyên rà soát các đề án, quy hoạch có liên quan, gồm: Đề án xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản... nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đã hoàn thành xây dựng các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh và xã, 100% số xã đã công khai các quy hoạch. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, đề án, dự án phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, bước đầu xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên diện rộng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả... thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng, sự khắc nghiệt của thời tiết do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, để nông nghiệp phát triển bền vững tỉnh đã chỉ đạo tích cực đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển các mô hình sản xuất quy mô hàng hóa lớn, theo chuỗi liên kết giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Toàn tỉnh đã xây dựng được 207 cánh đồng lớn (quy mô từ 30ha trở lên đối với cây lúa và từ 20ha trở lên đối với cây rau màu) với tổng diện tích 10.277 ha/vụ, trong đó có từ 500-800ha liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%. Điển hình như mô hình liên kết trong sản xuất giống lúa lai F1 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại tổng hợp Xuân Trường; mô hình liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao tạo sự khác biệt cho sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; mô hình trồng cây thìa canh, đinh lăng, cà chua, dưa chuột ở huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất rau an toàn ở Ý Yên và Công ty Cổ phần Ngọc Anh (Trực Ninh); mô hình trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP và công nghệ của Nhật Bản ở Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). Giá trị sản xuất, thu nhập cho người trồng lúa ở các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, các mô hình tích tụ ruộng đất đã góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, nông dân “quay lưng” với đồng ruộng... Trong lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành được 7 chuỗi liên kết theo hình thức hợp tác xã chăn nuôi, chăn nuôi gia công, doanh nghiệp và nông dân cùng làm như: Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên) quy mô 3.500 con lợn thịt, 330 con lợn nái; Hợp tác xã Vạn Xuân Trường (Vụ Bản) quy mô 700 con lợn thịt, 150 con lợn nái; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Phượng (Hải Hậu) nuôi gà đẻ năng suất 5,8 triệu quả trứng/năm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công Danh chế biến lợn sữa xuất khẩu, công suất 3.000-5.000 con lợn sữa và 300-500 con lợn choai mỗi ngày; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành sản xuất xúc xích và chân giò hun khói với công suất 1.800 tấn/năm… Công ty Biển Đông DHS liên kết với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn theo chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thịt lợn sạch, công suất giết mổ 250-300 con lợn thịt/giờ, kho dự trữ công suất 5.000 tấn thịt đông lạnh. Việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi đã thúc đẩy ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đặc sản, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi được áp dụng như: sử dụng các giống lợn ngoại Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc, PiDu, Pi75… để tạo con lai có một nửa đến 3/4 và 100% máu ngoại; đàn bò được cải tạo theo hướng Sind hóa; áp dụng công nghệ nuôi chuồng lồng, chuồng kín điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng diện tích nuôi; đã hình thành các cơ sở và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với 32 cơ sở nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, 1 cơ sở nuôi gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcatle và xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) được công nhận vùng nuôi an toàn dịch bệnh; 14 trang trại đạt tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Nhờ đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh, năm 2018 đạt 184,8 nghìn tấn, tăng 1,2 lần so với năm 2014. Giá trị sản lượng hàng hóa chăn nuôi năm 2018 đạt trên 400 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại; tỷ trọng chăn nuôi trong nội ngành Nông nghiệp tăng từ 39,1% năm 2014 lên 43,7% năm 2018; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi giai đoạn 2014-2018 đạt 4,6%/năm. Trong kinh tế thủy sản đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung; phương thức sản xuất chuyển đổi tích cực từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình nuôi theo chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao; đối tượng nuôi được phát triển đa dạng, trong đó tôm và ngao là 2 trong 4 đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Năm 2018, diện tích nuôi thủy sản tuy giảm 536ha so với năm 2014 song sản lượng nuôi vẫn tăng gấp 1,47 lần so với năm 2014.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đầu tư thiết bị, kho lớn phục vụ sản xuất gạo theo chuỗi liên kết. |
Động lực cho tái cơ cấu nông nghiệp
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, hình thành chuỗi liên kết, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định với sự tham gia của gần 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch là điểm giao thương, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố với Nam Định và ngược lại, trở thành nơi tin cậy cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Từ hoạt động của Trung tâm đã lan tỏa, phát triển được 20 cửa hàng tiện ích kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh; nhiều tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình… đã về tham quan học tập, ký kết hợp tác và phát triển theo mô hình của tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoàn thiện quy trình, điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn nông sản an toàn; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, công bố chất lượng hàng hóa, mã số, mã vạch cho các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó đến nay có 29 cơ sở xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, VietGAP, GMP, SSOP); 250 sản phẩm của 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể là đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên) và cá bống bớp Nghĩa Hưng; 3 nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm, gồm: “Rượu nếp Yên Phú”, xã Yên Phú (Ý Yên), “Nước mắm Giao Châu”, xã Giao Châu và “Ngao sạch Giao Thủy” (Giao Thủy); 1 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là Gạo tám xoan Hải Hậu; 40 cơ sở, doanh nghiệp áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc (QR code) và gắn cho 150 sản phẩm nông nghiệp. Do đó đã có nhiều sản phẩm nhanh chóng giành thị phần đáng kể trên thị trường trong nước, từng bước xuất khẩu. 3 sản phẩm Cá bống bớp Nghĩa Hưng, Gạo sạch Toản Xuân, Nước mắm Ninh Cơ được vinh danh là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu xuất sắc năm 2016 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn; sản phẩm Muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định được công nhận trong top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam năm 2017. Để thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, những năm qua tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia nhiều đợt hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm tại các thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...; mời gọi các cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp của các tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu các vùng nguyên liệu và ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản như: Ngao và các sản phẩm chế biến từ ngao, muối sạch… Năm 2018, sản lượng nông sản tỉnh xuất khẩu đạt trên 3.000 tấn, tăng gần 4 lần so với năm 2017. Thị trường nông sản của tỉnh từng bước được phân khúc, trong đó đáng chú ý là việc kinh doanh, tiêu thụ và sử dụng nông sản an toàn truy xuất được nguồn gốc đã phát triển đáng kể, được cộng đồng tiêu dùng quan tâm đánh giá cao. Việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng khắc phục trở ngại lâu nay của nông nghiệp là khâu tiêu thụ; người nông dân đã từng bước có sự đồng hành với các khâu của chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, giảm tính đơn lẻ của họ trong thị trường cạnh tranh. Kết quả phát triển công nghiệp chế biến và thị trường nông sản đã góp phần tạo động lực cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm và thủy sản giai đoạn 2014-2019 đạt bình quân 2,8%/năm, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2019 ước đạt 19.788 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 113,04 triệu đồng năm 2014 lên 145,17 triệu đồng năm 2018...
Có thể khẳng định, kết quả thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực hoàn thành các tiêu chí về sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường đầu tư, nâng cấp theo chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông nghiệp, nông thôn được đổi mới căn bản; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét. Thành quả đó là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Văn Đại