Trong 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu đóng góp ủng hộ tiền, đất, ngày công lao động… để kiến thiết xây dựng các công trình của địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
Ông Phạm Văn Ngọ, tổ dân phố Bắc Phú, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh (người đứng giữa) cùng các cán bộ thị trấn kiểm tra chất lượng công trình đường ngõ xóm do gia đình ông đầu tư. |
Theo số liệu của UBND tỉnh, từ năm 2011 đến tháng 6-2019, tổng số vốn huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt 21.920 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 17,1% với nhiều cá nhân đóng góp hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thôn xóm. Gia đình ông Vũ Viết Bình, thôn Lộng Đồng, xã Lộc An (thành phố Nam Định), người đã góp công, góp của cải tạo hơn 300m đường giao thông xóm. Sinh ra và lớn lên ở xã ngoại thành Lộc An, khi đã thành danh (ông công tác tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), con cái trưởng thành, điều kiện kinh tế gia đình khá giả, ông Bình luôn có mong muốn đóng góp xây dựng quê nhà. Nhưng phải đến đúng dịp toàn tỉnh phát động phong trào toàn dân “chung sức xây dựng nông thôn mới”, được chính quyền địa phương khuyến khích, ông bàn bạc với gia đình đầu tư cải tạo đoạn đường trục xóm Lộng Đồng nối với Quốc lộ 10 để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Nguyện vọng của ông nhanh chóng được Đảng bộ, chính quyền xã Lộc An và nhân dân xóm Lộng Đồng ủng hộ. Tuyến đường được thi công với tiêu chuẩn mặt đường trải nhựa áp phan, xây cống hộp con mương lộ thiên vừa mở rộng đường, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường và làm lại các công trình điện, nước, cáp viễn thông đi kèm với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Nghĩa cử của gia đình ông Bình đã tạo hiệu ứng đòn bẩy khích lệ các tập thể, cá nhân khác hưởng ứng tinh thần vì cộng đồng; 12 hộ dân nhất trí lùi công trình kiến trúc của gia đình vào để mở rộng mặt đường 6m hài hòa cho toàn tuyến. Các hộ dân trong xóm cũng dẹp bỏ lợi ích riêng, hóa giải mâu thuẫn, xích mích đời thường, tinh thần đoàn kết trong xóm được củng cố. Phấn khởi trước sự thay đổi đó, ông Bình còn đầu tư nhiều công trình kiến trúc khác trên địa bàn và cho biết dự định tiếp tục đầu tư chăm sóc sự học cho thế hệ trẻ quê nhà.
Người dân thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) nói chung và tổ dân phố Bắc Phú nói riêng luôn trân trọng gia đình ông Phạm Văn Ngọ không chỉ bởi số tiền gia đình ông đóng góp xây dựng quê hương lên đến hơn 9 tỷ đồng để tôn tạo, xây dựng các công trình mà còn bởi ông là người tâm huyết, trực tiếp quán xuyến, chăm chút từng phần việc nhỏ, từ việc tôn tạo lại đình, chùa, các di lích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, đến xây dựng trường học cho thế hệ tương lai và làm đường giao thông nông thôn để bộ mặt nông thôn mới thêm khang trang... liên tục từ năm 2015 đến nay. Công trình ít cũng kéo dài vài tháng, nhiều thì mất cả năm, nhưng ngày nào chiếc mũ cối, chiếc xe đạp Nam Hà cũng cùng ông theo sát công trình. Gặp ông khi đang cùng các cán bộ xã kiểm tra chất lượng công trình đường liên xóm Bắc Lương, Bắc Phú, Bắc Hoàng, ông vui vẻ cho biết: Gia đình ông có 5 người con, 4 con trai đi làm ăn xa quê. Trong chiến tranh gian khó, gia đình đã được xóm giềng bao bọc, sẻ chia; nay con cháu ông đã thành đạt, có điều kiện góp sức xây dựng làm đẹp quê hương. Ngoài ông Bình, ông Ngọ, trong 9 năm qua, toàn tỉnh còn rất nhiều tấm gương khác như: ông Trần Văn Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Long ủng hộ 12 tỷ đồng sửa chữa trường học, làm đường giao thông, nhà văn hoá, ủng hộ quỹ khuyến học xã; các ông, bà Kim Mạnh Hà, Đỗ Huy Hoàng ở xã Trực Cường (Trực Ninh) ủng hộ 14,2 tỷ đồng sửa chữa trường học, đổ bê tông đường trục xã, xây dựng nhà văn hóa xóm ủng hộ quỹ khuyến học; gia đình ông Đinh Quang Chiến, xóm 15, xã Hải Quang (Hải Hậu) ủng hộ 7 tỷ đồng làm đường giao thông của xã, xóm; bà Đồng Thị Tuyết, xóm 3, xã Trực Khang (Trực Ninh) ủng hộ 2,4 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá xóm, làm đường bê tông; gia đình ông Trần Ngọc Việt, ở số 395, Hoàng Quốc Việt, thành phố Hà Nội, ủng hộ xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông xóm; ông Hồ Xuân Năng, thành phố Hà Nội ủng hộ trên 2 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá và đường giao thông thôn Trại, xã Yên Thắng (Ý Yên); gia đình ông Vũ Văn Phương, xóm 11, xã Hải Quang (Hải Hậu) ủng hộ 2 tỷ đồng làm đường giao thông của xã, xóm; xây dựng trùng tu Chùa Hương Phúc, Đền thờ Đức Đại Càn của xã… đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của từng địa phương và toàn tỉnh.
Những đóng góp của các “mạnh thường quân” đã khẳng định chủ trương đúng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới là dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Việc phát động rộng khắp phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới”, khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; kêu gọi người con quê hương Nam Định trong và ngoài nước cùng chung tay xây dựng nông thôn mới tại quê hương và chủ trương làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện, lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở, hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng nông thôn mới đã thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương