Cây cảnh bonsai nói chung, bonsai ăn quả nói riêng ngày càng được thị trường ưa chuộng; thu hút nhiều người tham gia sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định, là nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân.
Tại nhà vườn của gia đình, anh Bùi Như Công ở xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) đang phát triển loại bonsai khá độc đáo từ cây đu đủ. Anh Công cho biết: Đây là năm đầu tiên tôi làm những chậu bonsai đu đủ vì nắm bắt được thị hiếu chơi cây cảnh độc, lạ của một bộ phận khách hàng với quan niệm đu đủ thể hiện cuộc sống đủ đầy, bền vững. Chính vì thế, đu đủ bonsai được chọn về để trong nhà hoặc làm quà biếu trong dịp lễ, tết. Theo nhận định, đu đủ bonsai là loại cây cảnh đắt giá dịp tết, nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, không dễ để chăm sóc được chậu đu đủ bonsai độc đáo, kết hoa, sai quả và chín đúng dịp bởi sự công phu, kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, gieo hạt đến chăm sóc, uốn thế. Mỗi cây đu đủ bonsai được uốn tỉa rất kỳ công; quan trọng nhất là chọn giống và uốn tỉa tạo dáng. Ngoài ra, để cây đu đủ bonsai có thể phát triển tốt trong chậu, nhiều quả và to tròn, cần trồng bằng loại đất thịt ải hoặc đất mới chưa qua gieo trồng bất cứ loại cây nào. Đây là khâu kỹ thuật có ý nghĩa quyết định tỷ lệ sống còn của cây đu đủ trên chậu cảnh. Với loại đu đủ bonsai, sương muối là mối nguy hiểm gây hại, có thể khiến cây bị xoăn lá, teo quả. Đu đủ bonsai cần những biện pháp chăm sóc đặc biệt, tưới nước, phân bón vừa đủ để cho cây vừa đủ độ ẩm, vừa giữ quả và lá xanh đều, đẹp, bắt mắt. Mỗi cây đu đủ bonsai được đánh giá đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dáng thế, lá xanh tốt, không bị táp, rũ lá; đặc biệt mỗi cây phải có đầy đủ quả to, quả nhỏ, hoa và lộc thể hiện sự phát triển với ý nghĩa sung túc, đủ đầy. Mỗi cây từ lúc trong bầu đưa lên chậu đến khi có giá trị làm cảnh cần khoảng 7 tháng đến 1 năm chăm sóc. Vì vậy, thời điểm trồng đu đủ bonsai tốt nhất bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch để kịp đưa ra thị trường vào đúng dịp tết. Gia đình anh Công hiện có 2 vườn đu đủ bonsai với 150 chậu; nếu thời tiết thuận lợi đến cuối năm, cây không bị sâu bệnh hư hỏng nhiều, gia đình anh ước tính thu lợi từ vài triệu đến chục triệu đồng/cây. Đặc biệt trong vườn nhà anh có khoảng hơn 10 cây đã có khách mua buôn đặt hàng với dáng độc lạ, có giá gần 30 triệu đồng.
Mô hình sản xuất cây đu đủ bonsai của gia đình anh Bùi Như Công ở xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). |
Ông Nguyễn Đăng Ninh, một trong những nghệ nhân sinh vật cảnh đầu tiên của xã Nam Toàn phát triển hướng trồng cây ăn quả trên chậu. Hiện gia đình ông có hàng trăm cây bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh, cây phật thủ trồng trên chậu đáp ứng nhu cầu chơi tết của khách hàng. Ông Ninh cho biết, mỗi cây bưởi có giá từ 3 đến 20 triệu đồng, cây phật thủ có giá 1-1,5 triệu đồng được khách hàng ở các tỉnh, thành phố phía Bắc rất ưa chuộng. Ngoài trồng bưởi, phật thủ, ông còn trồng 450 cây chanh tứ quý Thái Lan cho năng suất 5-6 tạ quả/cây/năm cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Từ trồng cây ăn quả trong chậu, tổng doanh thu mỗi năm của ông Ninh đạt 3-4 tỷ đồng. Từ mô hình trồng cây ăn quả trên chậu của ông Ninh, nhiều hội viên trong Hội Sinh vật cảnh xã cũng đang học tập, làm theo. Ông Hoàng Văn Hà, ở xóm 7 cũng chuyển dần diện tích trồng quất truyền thống sang trồng quất bonsai. Những chậu quất cảnh có dáng đẹp, thế độc phải mất khoảng 2 năm chăm sóc, uốn tỉa. Ông lựa chọn trong vườn quất cảnh những cây phôi, quy hoạch thành vườn riêng để phát triển dòng bonsai. Giai đoạn khó khăn, cần nhiều thời gian nhất cho quất bonsai là tạo dáng trước khi cây được đưa vào chậu. Để giữ dáng cây, ông thường xuyên uốn, cắt, tỉa cành, sửa tán tạo thế cây theo kiểu long, trực, huyền, hoành... Những lứa đầu, cây ra hoa và quả non, ông Hà vặt bỏ hết hoa, quả để các chất dinh dưỡng tập trung nuôi thân và cành. Tất cả các công đoạn chăm sóc đều đòi hỏi kỹ thuật, phải nghiêm ngặt tuân thủ theo đúng chu kỳ, liều lượng để xử lý sâu bệnh; bón phân hữu cơ cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây, duy trì được mã quả đẹp, da bóng, căng vàng. Tầm tháng 4 âm lịch, những cây quất bonsai được tuyển chọn đưa vào chậu. Để giữ cho cây sinh trưởng, phát triển ra hoa, quả đúng tết trong chậu là điều tương đối khó. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng quất cảnh, dưới bàn tay của ông Hà, mỗi cây quất bonsai là một tác phẩm nghệ thuật, được cắt tỉa theo nhiều tên gọi, các thế khác nhau. Một cây quất bonsai đẹp phải hội tụ đủ các yếu tố: dáng đẹp tự nhiên, không bị bó buộc cũng không bị gò bó theo khuôn mẫu, lá xanh, lộc hoa, quả vàng, quả ương, quả xanh, quả non. Đến nay, ông đã phát triển được hơn 100 chậu quất bonsai chuẩn bị đưa ra thị trường vào dịp cuối năm nay. Với mức giá trung bình từ 2-3 triệu đồng/chậu, trừ chi phí, ông thu lợi từ 100-150 triệu đồng/năm. Khách hàng của gia đình ông Hà đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương. Ngoài ra, có một số nhà vườn tại các xã Nam Phong, Nam Toàn, Điền Xá… năm đầu tiên thử nghiệm sản xuất quất bonsai ghép lũa độc đáo và đẹp mắt. Gỗ lũa là phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ khô sau khi bị chết, có đặc điểm rất cứng và không bị mối mọt xâm hại. Cây quất được trồng ghép với gỗ lũa có độ tuổi từ 2 tới 5 năm, có chiều cao dưới 1m, vừa đủ để tạo dáng cùng với gỗ. Quất được chọn ghép, tạo dáng từ đầu năm dương lịch. Khác với các loại cây cảnh nghệ thuật ghép lũa thông thường, cành quất ghép lũa được buộc bằng những dây thép nhỏ bám sát vào gỗ, phụ thuộc vào dáng gỗ và chủ đích của người làm. Dự kiến vào dịp tết, mỗi cây quất ghép gỗ lũa sẽ có giá dao động từ 5-10 triệu đồng; những cây dáng độc lạ đặc biệt giá sẽ cao hơn.
Với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường và thị hiếu của khách hàng, nhiều nhà vườn sản xuất, kinh doanh bonsai nói chung và bonsai ăn quả nói riêng đã phát triển đa dạng, phong phú về chủng loại, mở ra hướng sản xuất mới cho người dân các địa phương; trở thành mô hình kinh tế đúng hướng, mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân, nhà vườn cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh