Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo đảm bảo đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nghèo. Đến 31-8-2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của huyện đạt 464 tỷ đồng; tăng hơn 38 tỷ đồng so với đầu năm. 8 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tiến hành giải ngân được 105,5 tỷ đồng với 3.223 hộ vay vốn. Đến nay, đã có 13.380 hộ được thụ hưởng vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nợ xấu chỉ còn 91,8 triệu đồng, chiếm 0,019% tổng dư nợ.
Được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng, ông Trần Văn Khoá ở xóm 9 Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn đã đầu tư nuôi lợn an toàn dịch bệnh. |
Để đạt kết quả trên, huyện chú trọng chỉ đạo công tác huy động vốn cho tín dụng chính sách, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn tín dụng dài hạn, giải ngân nhanh, đầy đủ cho các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu. Trong 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của huyện đã tăng trưởng hơn 183 tỷ đồng (tăng 65,1%, bình quân mỗi năm tăng 13%) đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương. Đến nay, nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đã đạt 1,124 tỷ đồng, trong đó của huyện là 850 triệu đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nhận uỷ thác hoàn thành 100% chỉ tiêu huy động tiết kiệm dân cư. Đến ngày 31-8-2019, toàn huyện huy động được 25 tỷ 600 triệu đồng; có 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện huy động tiền gửi của tổ viên, với trên 94% số hộ đang có dư nợ tham gia gửi tiền qua tổ. Đến 31-8-2019, số dư tiền gửi của tổ viên đạt 21,1 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho người vay tiếp cận thuận lợi nguồn vốn chính sách, hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn được tổ chức tại 100% các xã, thị trấn với 405 tổ được uỷ thác qua 4 hội, đoàn thể chính gồm Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Huyện còn chỉ đạo các địa phương quan tâm nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng tại các điểm giao dịch. 100% các xã, thị trấn đã tạo điều kiện, dành một phòng trong trụ sở UBND để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm nơi giao dịch với khách hàng; UBND xã chỉ đạo tổ chức bảo vệ đảm bảo an toàn trong ngày giao dịch. UBND huyện cũng ban hành văn bản chỉ đạo Công an huyện, xã và lực lượng khác tại xã phải đảm bảo an toàn trong vận chuyển tiền trên đường và điểm giao dịch xã. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, có hướng phát triển vững chắc. Ông Trần Văn Khoá ở xóm 9 Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn hồ hởi cho biết: được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân kịp thời 50 triệu đồng theo chương trình vốn vay giải quyết việc làm nên cuối năm 2018 gia đình tôi đã có tiền đầu tư xây dựng gia trại khép kín, cải tạo ô chuồng, lắp đặt quạt thông gió, ốp trần nhựa, cửa ngăn muỗi đảm bảo chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát ở xã, gia trại quy mô 130 con lợn nái và lợn thịt của gia đình ông được an toàn. Bình quân mỗi tháng gia đình ông xuất bán hơn 1 tấn lợn thịt. Tính ra, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Không chỉ giúp người dân về vốn tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, chương trình vay vốn ưu đãi xây dựng các công trình nước sạch vệ sinh môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng được ngân hàng quan tâm. Chị Nguyễn Thu Trang ở xóm 9 chia sẻ: Là giáo viên Trường Trung học cơ sở Nghĩa Sơn, thu nhập hàng tháng của tôi không nhiều. Tích góp mãi gia đình cũng cố gắng xây được căn nhà mới cho kiên cố khang trang vào cuối năm 2019 nhưng lại thiếu vốn để hoàn thiện. Được sự giúp đỡ của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm, chúng tôi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng để hoàn thiện công trình nước sạch, vệ sinh. Nguồn vốn tuy không nhiều nhưng đúng lúc đã giúp gia đình cơ bản hoàn thiện ngôi nhà mới kịp đón Tết Kỷ Hợi 2019. Ông Đỗ Trọng Dưỡng, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 9 khẳng định: Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt 1,6 tỷ đồng với 50 thành viên được vay vốn ưu đãi. Nhiều gia đình đã sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho các lao động trong gia đình với thu nhập ổn định như hộ bà Bùi Thị Liên, Nguyễn Văn Thuỷ vươn lên thoát nghèo với mô hình nuôi cá nước ngọt truyền thống; cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống như hộ bà Lương Thị Hạnh, Nguyễn Thị Trang, Phạm Thị Hiền…
Đồng chí Đào Đức Cương, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng cho biết: Để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài việc tư vấn, cung cấp các thông tin cần thiết cho các hộ vay vốn tại điểm giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn phân công cán bộ tín dụng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay, phương thức đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ vay vốn; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ tiếp cận với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát theo từng quý và cả năm. Thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức tập huấn các nghiệp vụ giao dịch, kiểm soát nguồn vốn, thu tiền gốc, tiền lãi, công tác kiểm tra, kiểm soát, công tác quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; kết hợp thông tin kịp thời các chủ trương, chương trình chính sách tín dụng ưu đãi mới của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đến địa bàn từng thôn, xóm… Đổi mới nội dung, phương pháp giao ban giữa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn theo định kỳ để đánh giá kết quả hoạt động chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xem xét mở rộng diện đối tượng cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đối với các hộ dân sinh sống ở khu vực thị trấn của huyện; cho vay đối với các hộ có thu nhập trung bình; cho phép kéo dài thời gian thụ hưởng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo từ 3 năm lên 5 năm kể từ khi mới được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các cấp chính quyền địa phương tăng cường hỗ trợ, bổ sung vốn cho tín dụng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Đức Toàn